Home / Tin tức sự kiện / Khoa học Công nghệ / Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam

Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam

Thực hiện Quyết định số: 626/QĐ /KHLN-KH ngày 29/12/2023 của của Giám đốc Viện về việc Thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam; Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Kiên Cường; Đơn vị thực hiện: Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ.

Mục tiêu:

– Chọn được ít nhất 1 xuất xứ/vùng và 05 gia đình có triển vọng/vùng đạt năng suất tối thiểu 15 m3/ha/năm.

– Xác định được kỹ thuật nhân giống và hệ thống kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía cung cấp gỗ lớn đảm bảo năng suất tối thiểu 15 m3/ha/năm.

Nội dung nghiên cứu của đề tài

Nội dung 1: Nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm lâm học của cây Sấu tía

Nội dung 2: Nghiên cứu chọn giống và khảo nghiệm giống

Nội dung 3: Nghiên cứu nhân giống Sấu tía

Nội dung 4: Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Sấu tía cung cấp gỗ lớn cho vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Nội dung 5: Tập huấn chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Về hiệu quả của nhiệm vụ:

Hiệu quả kinh tế

– Áp dụng Tiến bộ kỹ thuật nhân giống cây Sấu tía đã nâng cao chất lượng, tỷ lệ sống, tỷ lệ cây con xuất vườn, giảm giá thành sản xuất do sử dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương, đồng thời khối lượng hỗn hợp bầu cây con nhẹ hơn đã giảm chi phí vận chuyển cây giống khi trồng rừng.

– Sử dụng giống Sấu tía đã chọn được có độ vượt từ 42,7 – 146,9% về năng suất đồng thời đạt trên 15m3/ha/năm kết hợp áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh được nghiên cứu đã tăng năng suất rừng trồng Sấu tía từ đó tăng thu nhập cho người trồng rừng.

– Cung cấp gỗ lớn cho ngành chế biến gỗ với giá thành rẻ hơn so với gỗ nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường đồ gỗ thế giới, nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngành chế biến gỗ trong nước.

Hiệu quả xã hội

– Với Hiệu quả kinh tế thu được từ trồng rừng thâm canh cây Sấu tía cung cấp gỗ lớn, thúc đẩy chủ rừng phát triển rừng trồng, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người trồng rừng, đặc biệt là người dân tại các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

– Sấu tía là loài cây gỗ lớn, hệ rễ rất phát triển và ăn sâu trong đất nên phát huy tốt khả năng phòng hộ, chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất. Sản phẩm của đề tài là các giống Sấu tía có năng suất và chất lượng cao kết hợp với các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh hợp lý, có tính khoa học và thực tiễn cao sẽ góp phần phát triển rừng hiệu quả bền vững ở Việt Nam.

Về những đóng góp mới của nhiệm vụ:

– Cây Sấu tía là cây bản địa gỗ lớn, sinh trưởng nhanh nhưng từ trước tới nay chưa được nghiên cứu gây trồng và phát triển. Đề tài đã nghiên cứu khá đầy đủ và hệ thống các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh từ khâu chọn giống, nhân giống, phương thức trồng, mật độ trồng để tạo rừng trồng Sấu tía cung cấp gỗ lớn có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt, từng bước đáp ứng nguồn cung gỗ lớn cho chế biến, giảm áp lực nhập khẩu.

– Bổ sung được loài cây gỗ lớn bản địa sinh trưởng nhanh vào danh mục cây trồng lâm nghiệp chính với các giống (gia đình, xuất xứ) Sấu tía cho năng suất cao trên 15m3/ha/năm, phục vụ trồng rừng gỗ lớn ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.