Home / Tin tức sự kiện / Khoa học Công nghệ / Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài tiềm năng cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất bảo hiểm rừng trồng sản xuất và chính sách hỗ trợ tại một số tỉnh”

Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài tiềm năng cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất bảo hiểm rừng trồng sản xuất và chính sách hỗ trợ tại một số tỉnh”

Thực hiện Quyết định số:  577/QĐ-KHLN-KH ngày 21 tháng 12 năm 2023 của của Giám đốc Viện về việc Thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài tiềm năng cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất bảo hiểm rừng trồng sản xuất và chính sách hỗ trợ tại một số tỉnh”; Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Tiến Hải; Đơn vị thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp.

Mục tiêu:

  • Hệ thống hóa cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới về bảo hiểm rừng;
  • Rà soát chính sách hiện hành liên quan đến bảo hiểm rừng trồng sản xuất;
  • Xác định được nhu cầu và vấn đề liên quan đến bảo hiểm rừng trồng sản xuất tại một số tỉnh có rừng trồng gỗ nguyên liệu tập trung;
  • Đề xuất khung chính sách và nội dung các bước cơ bản thí điểm bảo hiểm rừng trồng sản xuất.

Nội dung:

Nội dung 1: Hệ thống cơ sở lý luận, kinh nghiệm trên thế giới về bảo hiểm rừng

  • Cơ sở lý luận về bảo hiểm và quản lý rủi ro
  • Cơ sở lý luận về bảo hiểm rừng
  • Tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của một số nước trên thế giới về bảo hiểm rừng

Nội dung 2: Rà soát chính sách hiện hành liên quan đến bảo hiểm rừng trồng sản xuất

  • Rà soát văn bản pháp luật làm cơ sơ pháp lý cho thực hiện bảo hiểm
  • Rà soát, phân tích chính sách BHNN hiện hành
  • Rà soát, phân tích chính sách bảo hiểm rừng trồng hiện hành

Nội dung 3: Xác định nhu cầu, vấn đề liên quan đến bảo hiểm rừng trồng sản xuất tại một số tỉnh có rừng trồng gỗ nguyên liệu tập trung

  • Thực trạng rừng trồng sản xuất tại các tỉnh nghiên cứu
  • Tổng hợp, phân tích rủi ro và thiệt hại về rừng
  • Xác định nhu cầu tham gia, mức độ sẵn sàng chi trả bảo hiểm của tổ chức, hộ gia đình trồng rừng sản xuất
  • Xác định các vấn đề liên quan đến bảo hiểm rừng trồng sản xuất

Nội dung 4 – Đề xuất khung chính sách và nội dung các bước thí điểm hỗ trợ bảo hiểm rừng trồng sản xuất

  • Đề xuất khung chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất
  • Đề xuất nội dung các bước thí điểm bảo hiểm rừng trồng sản xuất

TÓM TẮT NHỮNG KẾT QUẢ CỦA ĐỀ TÀi:

  1. Đã hệ thống được cơ sở lý luận và kinh nghiệm của một số nước trên thể giới về bảo hiểm rừng trong quản lý rủi ro.
  • Bảo hiểm là phương pháp chuyển giao rủi ro thực hiện qua hợp đồng bảo hiểm. Cơ sở kỹ thuật cốt lõi của bảo hiểm là luật số lớn.
  • Quản lý rừng là hoạt động chịu nhiều rủi ro, như thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán), do dịch bệnh, do con người, v.v., trong đó, thiên tai là mối nguy hại đe dọa lớn đến rừng. Các đặc trưng cơ bản liên quan đến bảo hiểm rừng gồm chu kỳ kinh doanh rừng dài, rủi ro tồn tại đồng thời, khó tính toán xác suất, thiệt hại gây ra là rất lớn, khó tính phí bảo hiểm, phí bảo hiểm cao và ít công ty bảo hiểm.
  • Nhiều nước trên thế giới đã có bảo hiểm rừng với tỷ lệ diện tích rừng bảo hiểm có khác nhau. Nhà nước có vai trò quan trọng hỗ trợ thực hiện bảo hiểm rừng, qua việc ban hành, thực hiện chính sách, chương trình hỗ trợ bảo hiểm; được xem là một chủ thể tham gia bảo hiểm rừng với vai trò quan trọng thúc đẩy thực hiện bảo hiểm rừng; để phát triển bảo hiểm rừng, cần có chính sách, chương trình thí điểm hỗ trợ thực hiện bảo hiểm rừng. Đây cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng cho Việt Nam.
  1. Tổng hợp được chính sách liên quan đến bảo hiểm rừng trồng sản xuất ở Việt Nam.
  • Hiện nay Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) năm 2022 là cơ sở pháp lý cao nhất cho KDBH.
  • Hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được bắt đầu thí điểm từ năm 2011 và hiện được quy định tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP cùng các Quyết định khác có liên quan. Tuy nhiên, chính sách được quy định còn tồn tại một số vấn đề vể đối tượng được hỗ trợ (thuần tuý về nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản), thời gian, địa bàn được hỗ trợ BHNN và hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
  • Trong Lâm nghiệp, từ năm 2017, khuyến khích bảo hiểm rừng sản xuất là rừng trồng, hỗ trợ sản phẩm bảo hiểm Lâm nghiệp đã được quy định tại Lâm nghiệp 2017 và Luật KDBH 2022. Tuy nhiên, chính sách quy định còn chung chung, chưa quy định hỗ trợ cụ thể như về đối tượng cây trồng rừng, rủi ro được hỗ trợ, đối tượng áp dụng, mức hỗ trợ phí bảo hiểm, DNBH thực hiện, v.v.
  1. Nghiên cứu đã đánh giá và xác định nhu cầu, vấn đề liên quan đến bảo hiểm rừng trồng sản xuất tại hai tỉnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
  • Hai tỉnh khảo sát có diện tích lớn rừng trồng gỗ nguyên liệu tập trung, 77,1 nghìn ha ở Thừa Thiên Huế và 157,2 nghìn ha ở Quảng Nam. Trong đó đa phần là rừng trồng gỗ nhỏ, chiếm 85,4 – 91,4% ở 2 tỉnh. Keo các loài, chủ yếu là Keo lai hom, là loài cây trổng chính. Hộ gia đình và tổ chức (Cty lâm nghiệp, Hợp tác xã trồng rừng) là một trong những chủ rừng chính quản lý diện tích lớn rừng sản xuất, từ 38,2% – 48,6% tổng diện tích rừng sản xuất, ở hai tỉnh nghiên cứu.
  • Rừng do Hộ gia đình và tổ chức quản lý gồm cả rừng gỗ lớn/khai thác sau 7 năm và gỗ nhỏ, với loài cây trồng chính là Keo các loài. Thiên tai, dịch bệnh là các loại rủi ro được phản ánh, trong đó thiên tai (chủ yếu là bão lốc) là loại rủi ro gây thiệt hại nhất. Hơn 80-90% các HGĐ phỏng vấn có rừng bị thiệt hại do bão ở mức độ nặng trở lên; tất cả các tổ chức phỏng vấn phản ánh có rừng bị thiệt hại. Hỗ trợ của nhà nước là giải pháp khắc phục thiệt hại duy nhất, tuy nhiên mức hỗ trợ này rất thấp, dưới 10% giá trị đầu tư trồng rừng. Đa phần các chủ rừng tự gánh chịu thiệt hại và chưa có bảo hiểm rừng.
  • Có tỷ lớn các hộ gia đình (93,7% và 76,3%) và tổ chức (9/10 Công ty Lâm nghiệp và Hợp tác xã) được phỏng vấn cho rằng bảo hiểm rừng trồng là cần thiết. Nhu cầu tham gia bảo hiểm rừng trồng của họ là khá cao, hơn 75% – 90% HGĐ và 9/10 tổ chức được phỏng vấn sẵn sàng tham gia.
  • Hiện còn nhiều vấn đề liên quan đến bảo hiểm rừng trồng. Với chủ rừng là tổ chức là tài chính, con người, đất đai và quyền sử dụng đất, chính sách hỗ trợ bảo hiểm rừng cũng như phương pháp, thủ tục xác minh đền bù thiệt hại. Với chủ rừng hộ gia đình là khó khăn về tài chính, phí bảo hiểm rừng, mức đền bù, thủ tục khắc phục và hiểu biết về bảo hiểm rừng. Với DNBH là các vấn đề về nhân lực, kinh nghiệm, cơ sở dữ liệu, liên kết tái bảo hiểm và các chính sách hiện hành của nhà nước.
  1. Đã đề xuất được khung chính sách và nội dung các bước cơ bản thí điểm bảo hiểm rừng trồng sản xuất.
  • Khung chính sách hỗ trợ bảo hiểm rừng trồng sản xuất đề xuất được quy định tại Nghị định. Nội dung khung chính được đề xuất dựa trên khung các điều khoản quy định về chính sách hỗ trợ BHNN tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP, gồm các quy định về: Đối tượng áp dụng, đối tượng/loài cây trổng rừng được hỗ trợ bảo hiểm, rủi ro được hỗ trợ bảo hiểm, phí bảo hiểm, mức hỗ trợ bảo hiểm, mức đền bù, điều kiện hỗ trợ, phạm vi/địa bàn áp dụng, thời gian áp dụng, Doanh nghiệp bảo hiểm và hỗ trợ với DNBH, v.v.
  • Thí điểm bảo hiểm rừng trồng sản xuất được đề xuất gồm 3 bước chính là i) Xây dựng, ban hành văn bản về thực hiện thí điểm bảo hiểm rừng trồng làm cơ sơ cho việc triển khai thực hiện bảo hiểm; ii) Tổ chức thực hiện văn bản về thực hiện thí điểm bảo hiểm rừng; và iii) Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và đề xuất sửa đổi bổ sung/điều chỉnh (chính sách) hỗ trợ bảo hiểm rừng trồng.