Home / Tài nguyên thực vật rừng / Toona sureni (Bl.) Moore hoặc Toona febrifuga Roem – Xoan mộc

Toona sureni (Bl.) Moore hoặc Toona febrifuga Roem – Xoan mộc

Tên khoa học: Toona sureni (Bl.) Moore hoặc Toona febrifuga Roem.

Tên Việt Nam: Xoan mộc

Tên khác:  xương mộc, lát khét, trương vân.

Họ: Xoan- Meliaceae.

 

Hiện nay vấn đề chọn loại cây trồng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, làm giàu rừng, kinh doanh rừng trồng đang được đặt ra hết sức bức thiết, đặc biệt là phục vụ cho chương trình trồng 5 triệu ha rừng của chính phủ. Trong đó loài cây bản địa được coi lài quan trọng bởi sử thích nghi của chúng trong điều kiện sinh thái tại chỗ, dễ thu hái hạt giống, cải tạo và trồng thành những quần thụ nhân tạo dưới hình thức mô phỏng tự nhiên, phát triển bền vững. Việt Nam có những thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, với tổ thành loài hết sức phong phú, vấn đề đặt ra là tìm hiểu được đầy đủ các đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của chúng để dẫn dắt rừng phát triển ổn định, cũng như tiến hành các giải pháp kỹ thuật nuôi dưỡng, gây trồng đáp ứng được các mục đích khác nhau trong kinh doanh và bảo vệ môi trường sinh thái. Ở Tây Nguyên, một trong những loài cây bản địa đáng được quan tâm là xoan mộc (Toona sureni (Bl.) Moore). Đây là loài cây khá phổ biến trong các kiểu rừng thường xanh, cây gỗ lớn, sinh trưởng khá nhanh, dễ gây trồng, gỗ đẹp, dễ gia công nhiều mặt hàng gia dụng, hoặc dùng trong xây dựng, dễ lạng, bóc, làm gỗ dán.

 

  1. Mô tả hình thái

Đặc điểm nhận biết: Cây gỗ lớn, cao đến 35m, đường kính ngang ngực có thể trên 100cm. Thân tròn thẳng, gốc có bạnh vè. Vỏ dày xám nâu, nứt dọc, sau bong mảng. Cành non màu nâu sẫm. Lá kép lông chim một lần chẵn, ít khi lẻ, mọc cách. Lá chét 7-14 đôi, thường 8 đôi, mọc gần đối, dài 8-17cm, rộng 2,5-7cm, hình trái xoan dài, đầu có mũi nhọn, đuôi lệch, mép nguyên hoặc gợn sóng. Phiến lá nhẵn, nách gân lá phía sau có túm lông, gân bên 12-15 đôi nổi rõ ở mặt sau. Cụm hoa xim viên chuỳ đầu cành, hoa lưỡng tính, tràng hoa màu trắng mép cánh tràng có lông tơ. Nhị 5, rời, dài gần bằng cánh tràng đôi khi xen nhị lép. Triền hoa mập, có múi tròn, đầu nhụy hình đĩa có 5 gân. Bầu phủ lông, 5 ô, mỗi ô 8-10 noãn. Quả nang hình trái xoan dài, dài 3-3,5cm, đường kính 1cm, vỏ quả nhiều đốm trắng. Hạt dẹp, nâu bóng, 2 đầu có cánh mỏng không đều. Hệ rễ cọc.

  1. Đặc điểm sinh thái

* Phân bố: Xoan mộc phân bố rộng ở Úc, Malaixia, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Dương. Ở Việt Nam thường gặp trong rừng thường xanh, vùng miền núi thường phân bố ở độ cao dưới 700m với yêu cầu sinh thái sau:

  • Độ cao thích hợp dưới 750m so với mặt nước biển, có thể mọc nhiều vị trí địa hình khác nhau: chân, sườn, đỉnh dông, thung lũng, ven sông suối. Độ dốc phổ biến < 200.
  • Khí hậu: Ưa khí hậu nóng ẩm, các chỉ tiêu thích hợp: lượng mưa bình quân năm thích hợp dao động lớn: 1120-4000mm/năm. Có mùa khô kéo dài 3-4 tháng. Nhiệt độ bình quân tối thiểu và tối đa: 8-360 Chịu được sương giá trong thời gian ngắn.
  • Ưa đất sâu, dày, ẩm, thoát nước. Sống trên đất chua hoặc kiềm.
  • Thảm thực vật: Xoan mộc hỗn giao với nhiều loài trong các kiểu rừng thường xanh và nửa rụng lá.

* Đặc điểm sinh học

  • Xoan mộc là cây mọc nhanh ưa sáng, ưa khí hậu nóng ẩm.
  • Gỗ có màu xám vàng, lõi hồng hoặc nâu đỏ, mềm, nhẹ, dễ biến dạng và nứt, dễ làm, ăn sơn và đánh bóng đẹp có thể đóng được nhiều loại đồ gia dụng, xây dựng, dễ lạng, bóc, làm gỗ dán. Rễ và hạt có thể làm thuốc. Vỏ chứa nhiều tanin.
  • Ra hoa: Tháng 1-2. Quả chín (có thể thu hái): Tháng 4-5. Khi quả chín có màu đen, tốt nhất nên thu hái khi quả vừa chín tới. Quả hái xong được rải trong râm, tránh ẩm mốc, mối, kiến. Phơi ngoài nắng nhẹ khoảng 1-2 giờ để cho quả bong tách hạt. Bảo quản hạt: Rải hạt trong râm cho khô, bỏ vào hủ đậy kín. Hạt có sức nảy mầm tốt nhất trong vòng 2 tháng kể từ ngày thu hái.

Với các đặc điểm sinh thái cho thấy xoan mộc có vùng phân bố tự nhiên rộng, vì vậy có thể gây trồng, phát triển xoan mộc nhiều nơi ở Tây Nguyên.

  1. Công dụng

Gỗ có giác và lõi phân biệt, giác màu vàng nhạt, lõi màu hồng nâu, có mùi thơm. Vòng sinh trưởng rõ ràng và dứt khoát, thường rộng 5-7mm. Mạch đơn và kép ngắn, phân bố theo kiểu vòng hoặc nửa vòng, trong mạch thường có chất chứa màu nâu. Tia gỗ nhỏ và trung bình có tế bào tiết tinh dầu thơm. Mô mềm dính mạch không đều và tập trung thành giải tận cùng, có cả mô mềm phân tán trong đám sợi gỗ.

Gỗ cứng trung bình và nặng trung bình, khối lượng thể tích gỗ khô 540kg/m3. Hệ số co rút thể tích 0,53. Điểm bão hòa thớ gỗ 23%. Giới hạn khi nén dọc thớ 507kg/cm2. Sức chống tách 12kg/cm. Hệ số uốn va đập 0,52.

Gỗ Xoan mộc thích hợp với yêu cầu của gỗ dùng làm đồ mộc, kể cả dùng làm ván phủ mặt và dùng trong những kết cấu chịu lực của đồ mộc.