Tên khoa học: Terminalia calamansanai Rolfe
Tên Việt Nam: Chiêu liêu nước
Tên khác:
Họ: Bàng (Combretaceae).
Chi: Chiêu liêu (Terminalia),
Đặc điểm hình thái cây, lá, hoa quả Chiêu liêu nước đã được mô tả trong tài liệu Tài nguyên cây gỗ Việt Nam (Trần Hợp, 2002). Ở Việt Nam, Chiêu liêu nước mọc ở vùng núi Nam Trung Bộ (Gia Lai, Kontum) và mọc phổ biến ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Núi Dinh, Bà rịa – Vũng Tàu, vùng đồi núi thấp, Kiên Giang (Hà tiên, Phú Quốc).
Gỗ Chiêu liêu nước màu trắng trung bình, mịn, dễ gia công, dùng đóng đồ đạc thông thường trong gia đình, xây dựng, vỏ có tanin (Trần Hợp và Nguyễn Bội Quỳnh, 1993). Chiêu liêu nước mang đặc điểm của loài cây nửa rụng lá. Tại vùng Đông Nam Bộ, thời gian bắt đầu rụng lá khi mùa mưa kết thúc (tháng 12 đến tháng 1 năm sau).
Chiêu liêu nước có phân bố rộng trên nhiều vùng sinh thái và lập địa khác nhau, từ độ cao 10m đến hơn 800m so với mực nước biển. Chiêu liêu có thể sống trên nhiều loại đất như đất xám, Feralit đỏ, Feralit nâu đỏ, đất đỏ vàng phát triển trên đá mẹ Mác ma axít và đất Feralít màu xám đen phát triển trên đá mẹ Granit. Xuất hiện tại Guinea, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Giá trị sử dụng
Ngoài giá trị gỗ, vỏ Chiêu liêu nước chứa tanin dùng trong công nghệ nhuộm. Đặc biệt trong lá của loài này có chứa một số aceton có khả năng điều trị thuốc chống ung thư (Lih-Geeng Chen, 2009).
Trong báo cáo nghiên cứu chọn loài trồng rừng tại Tây Samoa (E.H. Nile, 1989), với thang điểm 100, trong đó: Chất lượng và sử dụng gỗ – 40 điểm; hình dạng thân cây và tăng trưởng- 30 điểm; cạnh tranh cỏ dại -15 điểm; nguồn hạt giống -10 điểm; chăm sóc vườn ươm -5 điểm. Chiêu liêu nước xếp thứ 12 (66 điểm) trong 47 loài lựa chọn. Trong đó, hình dạng thân cây và tăng trưởng đạt 24 điểm trên 30 điểm chứng tỏ Chiêu liêu nước là loài có hình dạng thân cây chuẩn và sinh trưởng nhanh.
Nghiên cứu về loài Chiêu liêu nước đã được triển khai tại Kolombangara Solomon từ năm 1964 (D.F.R.P.Burslem & T.C.Whitmore,1996). Kết quả nghiên cứu của thí nghiệm mở tán rừng tự nhiên cho tăng trưởng về đường kính trung bình là 0,9 cm/năm đối với những cây Chiêu liêu nước có đường kính nhỏ hơn 10cm; 1,6 cm/năm đối với cây có đường kính từ 10-20cm và cao nhất là 4,8 cm/năm đối với những cây có đường kính từ 30-50cm. Cũng từ báo cáo này, từ năm 1970 – 1986 Chiêu liêu nước là một trong 12 loài cây trồng rừng cung cấp gỗ ở Kolombangara Solomon và diện tích lên đến 2.740 ha. Mật độ trồng là 333 cây/ha (10 x 3m) và 667 cây/ha (5 x 3m), tăng trưởng cao nhất về đường kính là 0,9-2,1 cm/năm. Với chu kỳ 30-35 năm, mật độ còn lại từ 150-250 cây/ha cho khoảng 200-300m3.