Home / Tài nguyên thực vật rừng / Schyzostachyum sp. Nov – Tre quả thịt

Schyzostachyum sp. Nov – Tre quả thịt

Tên khoa học: Schyzostachyum sp. Nov

Tên Việt nam: Tre quả thịt

Tên địa phương: Nứa, Nứa quả thịt

  1. Đặc điểm nhận biết

Tre mọc cụm nhiều thân, thân tre thẳng cả ngọn cao 6-15cm, lóng dài 30-100cm, đường kính 4cm, dày 4mm. Vòng mo nổi gờ đen. Thân lúc non xanh mướt, già vàng nhạt, mắt hình trứng rộng 2cm, cao 2cm. Bẹ cao 17cm, đáy rộng 12cm, đỉnh 6cm. Phía ngoài bẹ mo có lông màu hung nâu.Thìa lìa 1mm, tai mo nhỏ, rộng 1,5cm, cao5mm. Lá mo hình trứng tam giác nhọn. Đáy 6cm, rộng nhất 9cm, cao 20cm.Khi non ngoài bẹ có sọc tím, phủ nhiều lông hung. Tai mo màu xanh lá cây, nhiều lông hung. Lá mo có sọc tím, nhẵn. Thìa lìa nhỏ. Cành mọc tụm, trên 10 cành, gần bằng nhau. Mỗi cành mang 5-10 lá.Lá dài 30-50cmx2,5-8cm. Bẹ lá có lông trắng, thưa; không tai; cuống lá 1cm. Mo thân màu xanh vàng có sọc tím, phủ nhiều lông màu hung nâu. Lá mo hình trứng- tam giác nhọn, dài, có 3 ngấn. Tai mo nhỏ có lông. Cụm hoa rộng 2cm, gồm rất nhiều hoa màu xanh. Bông chét dài 1cm, rộng 1mm.Bẹ ngoài mép có lông ngắn màu trắng, đầu có mũi nhọn. Bẹ trong dài hơn và có mũi nhọn hơn.Chỉ nhị 6 rất mảnh, bao phấn màu vàng, cao 3mm. Nhuỵ thon,  3 núm, dài 10-12mm. Bàu nhẵn, màu xanh, hơi hình thoi. Quả dạng cà chua nhỏ, màu lục sẫm, đầu lõm, mang vòi nhuỵ tồn tại( dài 1cm), Đáy mang 3 lá bắc khô xác.  Lá tới 6cm, hình ngọn giáo thuôn, đầu thót ngọn thành mũi dài 4cm,cuống 6mm, lá dài tới 30cm, 2 mặt nhẵn, mép có gai nhỏ. Gân song song, khoảng 11 đôi. Tai lá xanh, có nhiều lông mi tím, dài 2-2,5cm. Hoa mọc nách lá dài 50cm gồm 6-10 cụm bông chét. Mỗi cụm trên 10 bông chét. Chỉ nhị trắng, mảnh.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên: Khí hậu nhiệt đới mưa mùa. Đại địa hình đồi núi cao. Đất đỏ bazal.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Tre quả thịt có trong rừng thứ sinh, hỗn giao với một số loài khác như Lồ ô ở tầng dưới và cây gỗ ở tầng trên hoặc mọc thuần loại với những lâm phần khá rộng. Cây ra hoa, kết quả thịt, nẩy mầm cho thế hệ cây mới – có thu được cây con nhưng chưa theo dõi được quá trình này. Hằng năm  măng lên từ tháng 4 đến tháng 10 nhưng chưa có nghiên cứu về sinh trưởng, phát triển của măng.

  1. Vùng phân bố

Vùng Tây Nguyên, có nhiều ở Kon Tum.

  1. Giá trị sử dụng:

Dân địa phương thường dùng làm vách và lợp mái nhà, đan phên cót.

  1. Kỹ thuật kinh doanh: Chưa có công trình nghiên cứu nào cho Tre quả thịt.
  2. Hiện trạng sản xuất:Dân địa phương thường tự do khai thác, sử dụng hằng ngày. Sau đợt ra hoa năm 2001 cây tái sinh từ hạt có nhiều nhưng chưa được chăm sóc.
  3. Khuyến nghị

Tăng cường quản lý rừng tre quả thịt. Cần có nghiên cứu, hướng dẫn người dân chăm sóc, khai thác hợp lý bảo đảm tái sinh ổn định lâu dài.