Home / Tài nguyên thực vật rừng / Schizostachyum pseudolima McClure – Nứa lá nhỏ

Schizostachyum pseudolima McClure – Nứa lá nhỏ

Tên khoa học:Schizostachyum pseudolima McClure

Tên Việt nam: Nứa lá nhỏ

Tên địa phương: Nứa tép

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân đứng thẳng hay gần đứng thẳng, cao tới 10 m, đường kính 4 cm, ngọn rủ xuống hay dạng trườn leo; lóng thẳng, hình ống tròn, gốc nhẵn bóng không lông, phần trên có chất silíc, lúc đầu còn phủ lông ráp màu trắng, chiều dài có thể tới 60 cm, bề dày vách thân 1-2 mm; vòng thân phẳng; vòng mo nổi lên, mỗi đốt thân có nhiều cành, chiều dài cành 50 cm, dài nhất tới 1m. Bẹ mo rụng muộn, màu cỏ vàng, chất cứng, dòn, mặt lưng có lườn dọc nổi lên, có chất silíc, phủ lông ráp màu trắng ép sát, mép phần trên phủ lông mảnh dài 1-2mm, đầu cắt bằng; tai mo thường không rõ, lông tua miệng bẹ nhiều, dài 10-18 mm; lưỡi mo cao 1-1,5 mm, cắt bằng, mép thường có lông dạng tua, dài 1-2 mm; phiến mo lật ra ngoài, hình lưỡi mác dạng sợi, nhọn, mép có răng nhỏ, chiều dài thường vượt quá 1/2 hay 2/3 chiều dài bẹ mo, mặt lưng không lông, gốc mặt bụng phủ dày lông cưng dài, phần còn lại có chất silíc, cũng ít nhiều phủ lông nằm ráp. Cành nhỏ có 6-8 lá; bẹ lá dài 6-9 cm, lúc đầu phủ lông cứng dài, mép phần trên phủ lông mảnh, ít nhiều có chất silíc, có lườn dọc hay gần nhẵn phẳng; tai lá thường không rõ, lông tua miệng bẹ nhiều, dài 2-3 mm; phiến lá hình lưỡi mác dạng tròn dài hay hình lưỡi mác dạng dải, dài 18-30 cm, rộng 2-3,5 cm, đầu nhọn, gốc hình tròn hay hẹp dần, mặt trên phủ lông gai màu trắng rất thưa, mặt dưới phủ lông mềm, mép lá có răng cưa nhỏ. Bông nhỏ giả đính ở các đốt của cành hoa có lá hay không lá, hình con suốt, dài 2-3,5 cm, không lông; tiền diệp hình trứng hay hình lưỡi mác dạng trứng, dài 4-8 mm,, chất mỏng, nửa trong suốt, đỉnh tròn tù, lưng có 2 gờ, trên gờ phủ lông mảnh màu trắng; phiến lá bắc 1 đến mấy chiếc, hình tròn dài đến hình lưỡi mác dạng tròn dài, dài 7-22 mm, chất giấy, có nhiều gân, đỉnh tù đến nhọn gấp, có mũi nhọn ngắn đến có mũi dằm; mày ngoài hữu thụ hình lưỡi mác dạng tròn dài, dài tới 24mm, chất cứng có nhiều gân, nhọn gấp, có mũi dằm dài khoảng 3mm, mày ngoài của hoa nhỏ bất thụ chất khá mỏng, dài khoảng 15 mm, mũi dằm khá ngắn; mày trong của hoa nhỏ hữu thụ dài tới 27 mm, cuộn vào trong, chất giấy mỏng, có nhiều gân, đỉnh chia 2 mũi, mũi mảnh, không bằng nhau, cái dài có thể tới 7 mm, mày trong của hoa nhỏ bất thụ khá ngắn; chỉ nhị màu trắng dài tới 25 mm (lúc chưa thò dài 5 mm), gốc ít nhiều dính, bao phấn lúc đầu màu lục tối, khi chín màu vàng nhạt, dài 7-9 mm; chiều dài cả 2 nhuỵ 18-25 mm, màu tím.

  1. Đặc tính  sinh học, sinh thái học

2.1 Điều kiện tự nhiên:

Nứa lá nhỏ phân bố tự nhiên ở vùng có khí hậu nhiệt đới, mưa mùa, ẩm. Nhiệt độ không khí 14-310C, độ ẩm tương đối 80-90%. lượng mưa trong năm 1.400-3.500mm. Địa hình đồi núi thấp, đất hình thành từ đá mẹ là đá biến hình (Gneiss, micaschiste), xa diệp thạch phong hoá, nhìn chung là đất thịt có tầng sâu, ẩm, mát, thoát nước tốt.

2.2 Đặc điểm  quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Thường gặp Nứa lá nhỏ trong các rừng thứ sinh thuộc kiểu rừng nhiệt đới mưa mùa lá rộng thường xanh hoặc kiểu rừng nhiệt đới ẩm, lá rộng thường xanh. Tuỳ mức độ tán rừng được mở do cây gỗ bị chặt đi (khai thác gỗ hoặc đốt nương làm rẫy) có thể có loại hình:

-Rừng gỗ pha Nứa hoặc rừng Nứa pha gỗ.

– Rừng Nứa thuần loại.

Rừng Nứa lá nhỏ ổn định thường có 400 khóm trên 1 ha, mỗi khóm không quá 200 cây, phân bố số cây theo đường kính có dạng đường Gauss cân, tỷ lệ số cây già khoảng 50%, cây sinh măng khoảng 15-20% số cây trong khóm.

Nứa lá nhỏ ra hoa, kết quả rồi chết, hạt nảy mầm cho thế hệ mới. Chu kỳ “khuy” khoảng 30-35 năm hoặc rải rác hàng năm ở một số khóm, một số cây.

Mùa măng từ tháng 6 đến tháng 9. Từ lúc măng lên khỏi mặt đất đến khi định hình khoảng 160 ngày. Độ ẩm tương đối trong không khí cao, nhiệt độ và độ ẩm trong ngày ít biến động là điều kiện thích hợp cho măng sinh trưởng. Sau khi bị tác động, rừng Nứa có khả năng phục hồi nhanh nhất là từ năm thứ 1 đến năm thứ 5. Tuổi thọ của thân khí sinh không quá 7 năm.

  1. Vùng phân bố

Nứa lá nhỏ phân bố khá rộng – từ Bắc vào Nam. Tập trung nhiều là vùng Bắc Trung Bộ và Trung tâm Bắc Bộ.

  1. Giá trị sử dụng:

Nứa lá nhỏ được sử dụng trong xây dựng làm phên che, lợp mái, làm giàn che trong sản xuất nông nghiệp. Nứa lá nhỏ được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy. Năm 1972 Viện công nghiệp giấy và Xenlulo đã nghiên cứu thân nứa lá nhỏ cho kết quả như sau:

Biểu     : Thành phần hoá học của Nứa lá nhỏ

Thành phần hoá học Tỷ lệ (%)
Xenlulo 45,37 – 49,71
Linhin 23,18 – 23,40
Pentosan 14,16 – 15,46
SiO2  2,7 – 3,04
Tro  3,54 – 4,49

Biểu     : Kích thước sợi gỗ của Nứa lá nhỏ

Trung bình Tối đa Tối thiểu Ghi chú
Chiều dài sợi(mm) 2,310 3,760 0,907 Có 90%
Chiều rộng sợi(micro) 15,88 21,16 10,35 Sợi dài từ
Chiều dày vách (micro) 7,44 10,35 5,06 Từ 1,5mm
Tỷ lệ dài/rộng 154 Trở lên

                Nứa lá nhỏ đã được nghiên cứu sản xuất ván ghép thanh làm tường ngăn hoặc ốp tường rất đẹp vì giữ được mầu xanh tự nhiên. Măng là rau ăn khá ngon, có thể ăn tươi (hoặc muối chua) và phơi khô (gọi là măng bẹ).

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Tử Ưởng đã có kết luận và ứng dụng vào sản xuất như sau:

5.1 Gây trồng: Có thể trồng bằng cây con, gieo từ hạt hoặc bằng gốc có 3 thế hệ: non, trung bình, già. Nếu được chăm sóc tốt sau khi trồng 5 năm rừng Nứa đã ổn định và có thể đưa vào khai thác.

5.2 Khai thác:

* Thực hiện phương thức “khai thác chọn đảm bảo tái sinh”

* Trình tự và kỹ thuật cơ bản:

+ Chặt dây leo và cây gỗ đổ gẫy, sâu bệnh (nếu cần thiết) trước khi khai thác từ 1 đến 3 tháng.

+ Chặt cây già và số cây còn lại trong khóm sau khi chặt có tỷ lệ 1 cây sinh măng có 2 cây tuổi già hơn. Sản lượng trung bình là 50% trữ lượng và độ tàn che sau khi khai thác không nhỏ hơn 0,5.

+ Chặt trên mắt dưới cùng (vết chặt ở dóng thứ 1). Nhát chặt phải ngọt – không gây dập nát gốc. Cây ở giữa khóm nếu khó chặt được phép chặt trên mắt thứ 2 (vết chặt ở dóng thứ 2).

+ Dọn và mở lối chặt (cho những khóm to) ở phía nào có ít cây non và thuận tiện cho việc chặt cây.

+ Những vật thừa bỏ lại rừng sau khai thác phải chặt thành từng đoạn 1-2m, nơi đất bằng thì rải đều, nơi đất dốc bỏ thành từng luống nhỏ hợp với hướng dốc một góc 450.

+ Không khai thác Nứa lá nhỏ trong thời gian măng có chiều cao 5-10m.

+ Chu kỳ khai thác là 3 năm.

5.3 Chăm sóc rừng tái sinh.

Rừng Nứa lá nhỏ bị tàn phá mạnh (chặt đốt làm nương rẫy, khai thác với cường độ mạnh hoặc liên tục) sau thời gian 6-7 năm để phục hồi tự nhiên thì phải tiến hành dọn vệ sinh – luỗng phát cây khô, cây bụi và điều chỉnh mật độ khóm. Nếu số khóm quá nhiều (trên 500 khóm trong 1 ha) thì cần phải phá bỏ một số khóm nhỏ yếu. Nếu số khóm quá ít (dưới 400 khóm trên 1 ha) thì có thể trồng dặm vào những khoảng trống. Giống trồng (có thể lấy ngay tại rừng) là giống gốc có 3 thế hệ nối tiếp nhau, có đoạn thân khí sinh dài 1m. Hố trồng có kích thước rộng x dài x sâu là 50 x 80 x 30cm với cự ly hàng cách hàng là 6m, cây cách cây là 4m.

  1. Hiện trạng sản xuất

Trước đây cả nước có khoảng 400.000 ha rừng Nứa lá nhỏ; vùng Trung tâm Bắc Bộ có nhiều lâm phần Nứa thuần loại rộng hàng ngàn ha, có những lâm trường hầu như chuyên kinh doanh Nứa. Sau đợt “Nứa khuy” vào năm 1972-1974, nhiều rừng Nứa không được bảo vệ hoặc chặt bỏ để trồng cây gỗ nên diện tích rừng Nứa bị thu hẹp. Hầu hết rừng Nứa hiện nay xen lẫn trong rừng gỗ thứ sinh nghèo kiệt và chất lượng không đồng đều. Khai thác Nứa lá nhỏ hiện nay hầu hết do tư nhân nên việc quản lý rất khó khăn.

  1. Khuyến nghị

Nứa lá nhỏ được sử dụng rộng rãi trong xây dựng nhà tạm, nguyên liệu giấy, phục vụ sản xuất nông nghiệp (dàn che), măng ăn ngon . . . nhưng loài này đang  đứng trước nguy cơ tàn kiệt. Trước mắt cần bảo vệ rừng Nứa lá nhỏ hiện có, tăng cường quản lý để khai thác hợp lý, đúng qui trình kỹ thuật, không để tình trạng phá hại huỷ diệt như chặt đốt làm nương rãy.

Trong rừng kinh doanh gỗ nếu có Nứa lá nhỏ cần được bảo vệ vì Nứa lá nhỏ chỉ ở tầng dưới, có thể chung sống với cây gỗ