Home / Tài nguyên thực vật rừng / Schizostachyum funghomii McClure – Nứa lá to

Schizostachyum funghomii McClure – Nứa lá to

ên khoa học: Schizostachyum funghomii McClure

Tên Việt Nam: Nứa lá to

Tên khác: Nứa ngọn thẳng, Nứa ngộ

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân đứng thẳng, cao tới 12 m, đường kính 4-10 cm, ngọn thẳng. Lóng dài nhất có thể tới 67 cm, hình ống tròn, ráp, có chất silíc, lúc đầu ít nhiều phủ lông nằm ráp, bề dày vách thân 3 mm; vòng thân phẳng, nhẵn bóng; vòng mo hơi nổi lên; mỗi đốt thân chia nhiều cành, cành và thân tạo thành góc 600 , chiều dài cành 50-70 cm. Bẹ mo rụng muộn, chất cứng, dòn, dài khoảng 2/3 bề rộng gốc, mặt lưng có chất silíc, phủ lông ráp màu trắng hay màu vàng nhạt mọc dán, mép không lông, khá mỏng, chất giấy, đỉnh gần cắt bằng hay hơi lõm; tai mo khuyết hay ở những mo thân to là vật dạng dải gấp nhăn rất hẹp và chỉ cao 1-2mm, lông tua miệng bẹ rõ, dài 5mm, màu vàng nâu, gốc phủ lông cứng ráp nhỏ; lưỡi mo cao 1-2 mm,, không lông, mép xẻ nông, phủ lông dạng tua dài 3-5 mm; phiến mo hình lưỡi mác dạng sợi, những chiếc ở đốt phần dưới thân dài không quá 1/2 bẹ mo, mặt lưng không lông, gốc mặt bụng phủ một túm lông cứng dài bằng lông tua, phần còn lại phủ lông nằm ráp. Cành nhỏ có 6-9 lá, phần dưới bẹ lá ít nhiều có chất silíc; tai lá không rõ, lông tua nhiều, dài 5-6 mm, gốc phủ lông cứng ráp nhỏ; lưỡi lá cao khoảng 1mm, mép xẻ nông thành dạng tua; cuống lá dài 3-5mm; phiến lá hình lưỡi mác dạng tròn dài hay hình lưỡi mác dạng trứng, dài 20-30 cm, rộng 2,5-4cm, đầu nhọn gấp, gốc hình tròn hay hình nêm rộng, mặt trên trừ gốc và gần kề gân giữa phủ lông mềm dài màu trắng, thưa ra, phần còn lại không lông, mặt dưới phủ lông cứng ráp nhỏ màu trắng. Bông nhỏ giả đính ở các đốt của cành hoa không lá, hình cột tròn, phủ lông mềm màu trắng; tiền diệp hình trứng ngược dạng tròn dài, dài 5-7 mm, chất giấy mỏng, có 2 gờ, trên gờ phủ lông mảnh nhỏ màu trắng, đỉnh tù, mép không lông hay gần không lông; phiến lá bắc 1 đến mấy chiếc, hình tròn dài, dài 6-15 mm, chất giấy, có nhiều gân, đỉnh tròn tù, có mũi nhọn ngắn hay mũi nhọn dạng tam giác; bông nhỏ chứa 1-2 hoa nhỏ, thường 1 hoa ở đỉnh hữu thụ, chiều dài bông nhỏ hữu thụ 3 cm, chiều dài bông nhỏ bất thụ 1,8-2,2 cm; mày ngoài hình lưỡi mác dạng tròn dài, dài 15-17 mm, chất cứng, dòn, cuộn mạnh vào trong, phủ dày lông mềm màu trắng, có nhiều gân, đỉnh nhọn gấp, có mũi dằm ráp, dài 1-2 mm; mày trong dài tới 26 mm, có nhiều gân, gốc cuộn vào trong dạng xoắn ốc, gần không lông, phần trên có rãnh dọc rõ rệt, phủ lông mảnh màu trắng, đỉnh xẻ 2 răng (thấy ở bông nhỏ hữu thụ) hay 2 gờ dài không bằng nhau (thấy ở bông nhỏ bất thụ); chỉ nhị màu trắng, dài tới 18 mm (lúc chưa thò ra chỉ dài 2-3mm), thường thành dính ở gốc, bao phấn màu vàng nâu, dài tới 12 mm; bầu không lông, dài tới 9 mm, có cuống ngắn, vòi màu vàng nhạt, dài tới 15 mm, đầu nhuỵ 3, màu tím, dạng lông vũ.

  1. Đặc tính  sinh học, sinh thái học

2.1 Điều kiện tự nhiên:

Khí hậu nhiệt đới, mưa mùa. Nhiệt độ bình quân 220C, lượng mưa trên 1700mm, độ ẩm không khí trung bình85%. Địa hình đồi núi thấp có độ cao 500-800m so với mặt nước biển. Đất tốt còn xốp, tầng đất dầy mầu đỏ vàng, thành phần cơ giới nặng giàu đạm và kali như đất đai micaschiste ở vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang. Đất Phylit, đất Poocphia ở Thanh Hoá… Nứa lá to ưa ẩm nhưng thoát nước, nếu ngập nước sau vài ba ngày cây có thể chết.

2.2 Đặc điểm  quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Nứa lá to thường mọc tập trung từ sườn đến chân đồi, ven theo khe suối trong rừng thứ sinh của các kiểu rừng nhiệt đới mưa mùa lá rộng thường xanh hoặc rừng nhiệt đới ẩm, lá rộng thường xanh. Tuỳ mức độ tán rừng được mở do cây gỗ bị chặt mà có thể gặp rừng gỗ pha nứa ở tầng dưới, rừng nứa có một số cây gỗ ở tầng trên hoặc nứa thuần loại (Nứa lá to và Nứa lá nhỏ).

Rừng Nứa lá to ổn định thường có 200-300 khóm trên 1ha, mỗi khóm thường có khoảng 100-150 cây, số cây già (cây trên 3 tuổi) khoảng 40-50%, tỷ lệ măng khoảng 15% số cây trong khóm.

Nứa lá to ra hoa, kết quả rồi chết, hạt nảy mầm cho thế hệ mới, chu kỳ “khuy” khoảng 40 năm. Cũng có thể gặp một số khóm rải rác ra hoa rồi chết.

Mùa ra măng từ tháng 6 đến tháng 9, tuổi thọ thân khí sinh thường là trên 8 năm.

  1. Vùng phân bố

Nứa lá to phân bố rộng từ Bắc vào Nam. Tập trung nhiều là vùng Bắc Trung Bộ và Trung tâm Bắc Bộ.

  1. Giá trị sử dụng:

Nứa lá to được sử dụng trong xây dựng làm nan đan, phên che, đan cót, làm các vật dụng trong nhà, làm tăm mành…

Trong công nghiệp, Nứa lá to được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy; năm 1972, Viện công nghiệp và xenlulo đã nghiên cứu nứa lá to cho kết quả như sau:

Biểu  11   : Thành phần hoá học của Nứa lá to

Thành phần hoá học Tỷ lệ (%)
Xenlulo 47,83
Linhin 25,30
Pentosan 15,56
SiO2  3,77
Tro  5,32

Biểu     : Kích thước sợi gỗ của Nứa lá to

Chiều dài sợi(mm) Chiều rộng sợi(micro) Chiều dày vách (micro)
Trung bình 2,295 19,62 8,76
Tối đa 4,583 26,91 11,50
Tối thiểu 0,947 13,34 6,21
Có 80 % sợi dài trên 1,5 mm

                Măng làm rau ăn khá ngon, có thể ăn tươi (hoặc muối chua) và phơi khô (gọi là măng bẹ).

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Kỹ thuật kinh doanh đến nay chưa được nghiên cứu. Trong rừng tự nhiên người dân tuỳ tiện khai thác cây và măng. Rất ít gia đình có trồng một vài khóm trong vườn rừng để tiện dùng trong gia đình, chưa có ý thức trồng để kinh doanh.

  1. Hiện trạng sản xuất

Nứa lá to còn rải rác, xen lẫn trong rừng thứ sinh. Nó thường xuyên bị khai thác lạm dụng nên số lượng và chất lượng rừng không được đảm bảo.

  1. Khuyến nghị

Nứa lá to cần được quy hoạch bảo vệ, chăm sóc, khi khai thác cần được đảm bảo tái sinh.