Home / Tài nguyên thực vật rừng / Pterocarpus macrocarpus Kurz – Giáng hương

Pterocarpus macrocarpus Kurz – Giáng hương

Tên khoa học: Pterocarpus macrocarpus Kurz.

Tên Việt Nam: Giáng hương

Tên khác: hương; sen, loc (Êđê), toerưng (Bana), nàng (Xê Đăng), giâu săn (Gia Rai), thnong (Khơ Me).

Chi Pterocarpus, họ phụ Cánh bướm- Papilionoideae, họ Đậu – Leguminosae.

 

  1. Mô tả hình thái

Hai loài giáng hương chiếm ưu thế ở Đông Nam Á là P. indicus (phân bố tự nhiên ở Philippin, Malayxia và Inđônêxia) và P. macrocarpus (phân bố tự nhiên ở Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam).

Theo các tài liệu phân loại thì ở Lào, Campuchia và Việt Nam còn thấy có mặt của P. pedatus và Campuchia còn thấy thêm P. cambodianus. Năm 1994, Look và Heald đã gộp chung P. pedatusP. macrocarpus thành một loài với tên khoa học là P. macrocarpus. Trên thế giới, P. macrocarpus có nhiều tên gọi địa phương khác nhau tùy theo mỗi nước như Padauk (Thái Lan), Mai dou (Lào), Thnong Krop thom (Campuchia) và giáng hương (Việt Nam) (James F. Coles and Timothy J. B. Boyle, 1999).

Theo Nguyễn Tích và Trần Hợp (1971), chi Giáng hương gồm những loài sau: giáng hương (P. pedatus Pierre), giáng hương trái lớn (P. macrocarpus Kurz)  gặp ở miền Nam Việt Nam, giáng hương nam (P. cambodianus Pierre hoặc P. parvifolius) và hoàng bá (P. flavus Lour).

Phạm Hoàng Hộ (1991) chỉ ghi nhận hai loài giáng hương ở Việt Nam, đó là giáng hương (P. indicus Will) được trồng ở Sài Gòn và giáng hương trái to (P. macrocarpus Kurz) có trong rừng thưa Đắk Lắk, Khánh Hòa, Biên Hòa. Viện điều tra qui hoạch rừng (1978, 1980) cũng chỉ đề cập đến hai loài là P. pedatus Pierre và P. macrocarpus Kurz phân bố ở miền Nam Việt Nam.

Trần Đình Lý (1993) chỉ đề cập đến hai loài là giáng hương mắt chim (P. indicus Will) và giáng hương chân (P. pedatus Pierre) gặp ở miền Nam Việt Nam. Sách đỏ Việt Nam cũng chỉ nhắc đến loài giáng hương P. macrocarpus Kurz có phân bố ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên, Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh.

Theo Vũ Văn Dũng và Nguyễn Quốc Dựng (1998), ở Việt Nam tìm thấy hai loài thuộc chi Pterocarpus đó là P. indicus Will và P. macrocarpus Kurz, trong đó loài P. indicus được biết đến là loài trồng làm cảnh, cây đường phố và lấy gỗ, nhưng loài P. macrocarpus Kurz phân bố tự nhiên rất rộng, hầu như vùng nào cũng có mặt. Theo các ông, các loài có tên khoa học sau đây được xem là cùng loài (synonym) với Pterocarpus macrocarpus Kurz: P. cambodianus Pierre, P. pedatus Pierre, P. glaucianus Pierre, P. gracilis Pierre, P. parvifolius Craib. Vì vậy tên khoa học Pterocarpus macrocarpus Kurz được sử dụng trong bài viết này cho cây giáng hương.

Giáng hương là cây gỗ lớn, rụng lá theo mùa, tán cây hình ô xòe rộng, gốc có bạnh vè, thân thẳng, cao đến 25-35 m, đường kính đạt 0,7-0,9 m hay hơn. Vỏ màu nâu xám, bong vảy lớn hoặc nứt dọc, thịt vỏ vàng dày từ 1-1,5 cm, bên trong có nhựa đặc màu đỏ tươi, cành non mảnh, màu nâu nhạt, có lông, cành già nhẵn.

Lá kép lông chim một lần lẻ, mọc cách, dài 15-25 cm, mang 7-11 lá chét hình bầu dục thuôn hay hình trứng, mép nguyên, dài 4-11 cm, rộng 2-5 cm, gốc tròn hoặc tù, cuống ngắn, đầu có mũi nhọn cứng, hơi có lông, mặt trên sáng bóng, mặt dưới nhạt.

Hoa tự hình chùy ở nách lá, phủ lông màu nâu. Lá bắc thường nhỏ, đính ngay dưới đài hoa, dài khoảng 2-2,5 mm. Đài hình chuông xẻ 5 thùy ngắn gần bằng nhau. Tràng 6 cánh thường nhẵn. Nhị 10, phần dưới chỉ nhị hợp thành 1 bẹ; bao phấn gần tròn, đính lưng, nứt dọc. Nhụy có cuống và phủ nhiều lông, nhụy chỉ chứa 2-4 noãn. Quả hình tròn dẹt, đường kính 4,5-8 cm, màu vàng nâu, cuống dài 1 cm, điểm nhọn cao hơn hạt hướng lên trên. Xung quanh hạt là cánh rộng, có lông ngắn, có nếp nhăn và có gân mạng, thường 1 hạt (Vũ Văn Dũng và Nguyễn Quốc Dựng, 1998; Viện điều tra qui hoạch rừng, 1980).

 

  1. Đặc điểm sinh thái

Giáng hương có phân bố ở Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (J.F. Coles and T.J. B. Boyle, 1999).

Ở nước ta, giáng hương trước đây được biết là có phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam Bộ, nhưng gần đây đã phát hiện ở miền Tây tỉnh Nghệ An giáp Lào là Tương Dương và Kỳ Sơn (Chu Dũng, Nguyễn Ngọc Chính, Nguyễn Hữu Hiến, 1994; Nguyễn Hoàng Nghĩa, 1998).

Nhìn chung giáng hương thường phân bố ở độ cao thấp hơn 1000m so với mặt biển, thường mọc ở bên bờ sông, suối hoặc nơi gần nguồn nước trong rừng hỗn loài nửa rụng lá hoặc trong rừng thưa cây họ Dầu. Cây thường mọc hỗn giao với các loài cây lá rộng khác như gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), muồng đen (Cassia siamea), bằng lăng (Lagerstroemia sp), bình linh (Vitex sp), dầu chai (Dipterocarpus intricatus), chiêu liêu (Terminalia sp), sến mủ (Shorea roxburghii), ít khi thấy mọc thành quần thụ ưu thế (Vũ Văn Dũng, Nguyễn Quốc Dựng, 1998).

Giáng hương sinh trưởng tốt nhất trên đất feralit, sinh trưởng trung bình trên đất sét. Đây là loài cây ưa đất bằng phẳng, thoát nước, có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, phong hóa từ các đá mẹ trầm tích và macma acid, độ pH thích hợp là 6,5-7,0, nhu cầu nước vừa phải. Lúc đầu giáng hương có thể mọc được ở những đồi trọc hoặc trên đất ít nhiều đã thoái hóa do làm nương rẫy và lửa rừng. Vùng giáng hương mọc thường có khí hậu khô nóng, lượng mưa trên 1000 mm, chia hai mùa mưa và khô rõ rệt, mùa khô kéo dài trùng với mùa rụng lá của cây (Vũ Văn Cần, 1981; Vũ văn Dũng, 1987).

Giáng hương ra hoa vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, quả chín tháng 11-12, rụng lá vào tháng 1-2, trọng lượng 1000 quả khoảng 1600g và trọng lượng 1000 hạt khoảng 65g (Hà Thị Mừng, 2001). Giáng hương có thể trồng bằng cây con hoặc thân cụt (stump) đều mọc tốt. Khả năng nảy chồi trung bình, chồi bám chắc vào gốc. Giáng hương tái sinh dưới tán rừng kém có thể là do nạn lửa rừng gây ra. Mặc dù lượng quả sinh ra hàng năm rất lớn, nhưng rất ít khi gặp giáng hương tái sinh dưới tán rừng hoặc dưới tán cây mọc lẻ. Ngược lại, khả năng tái sinh chồi của giáng hương rất mạnh (Vũ Văn Dũng, Nguyễn Quốc Dựng, 1998).

* Các quần thể giáng hương hiện có và vấn đề bảo tồn ở Việt Nam

Ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên, giáng hương phân bố rải rác ở một số nơi như Vườn quốc gia Yokđôn, Buôn Đôn, Đăk Mil, Cưjut, Buôn Ma Thuột, Krông Năng, Khu bảo tồn thiên nhiên Easo, Lâm trường Eavy (Đắk Lắk), Kon Hà Nừng (Gia Lai), Khu bảo tồn thiên nhiên Krôngtrai (Phú Yên), Khu thực nghiệm Cầu Đôi – Đăkbla, Đăk Tô, Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Môm Rây (Kon Tum)…

Hầu hết các quần thể giáng hương đều bị khai thác ở các mức độ khác nhau. Chỉ có các quần thể ở Vườn quốc gia Yokđôn là ít bị tác động nên cấu trúc của nó còn phản ánh được tổ thành loài đại diện cho kiểu rừng rụng lá (rừng khộp) và rừng nửa rụng lá (rừng bán thường xanh) ở Tây Nguyên. Mặc dù vậy, giáng hương ở đây cũng chỉ phân bố thành các quần thụ nhỏ từ 5-10 cây/ha, đường kính bình quân 30-35cm, cá biệt có những cây đường kính tới 80-90cm, chiều cao bình quân 25-30m. Các quần thụ ở những nơi khác gần như bị khai thác cạn kiệt nên tổ thành tự nhiên của các loài bị xáo trộn trầm trọng, chỉ còn lại một số cá thể giáng hương trong nương rẫy, ven đường đi hoặc một số cây còn nhỏ mọc rải rác trong rừng (Hà Thị Mừng, 2001).

Riêng ở Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An), Giáng hương trong các quần thể bị khai thác cạn kiệt nay đã tái sinh phục hồi tương đối ổn định, đã có 127 ha được khoanh nuôi bảo vệ. Cây to nhất hiện có đường kính ngang ngực tới 50-60cm. Cây trung bình có đường kính 17-30cm. Đã có 12 ha được chuyển hóa thành rừng giống (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 1998).

 

  1. Công dụng

Giáng hương (Pterocarpus macrocarpus Kurz) là loài cây gỗ lớn quí hiếm, gỗ có giá trị kinh tế cao khá được ưa chuộng ở Việt Nam. Do có giá trị sử dụng như vậy nên giáng hương đã và đang bị khai thác rất mạnh, số lượng cá thể và quần thể bị giảm một cách nhanh chóng (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, 1996). Vì vậy, giáng hương là loài cây có giá trị kinh tế cao cần sớm được bảo tồn nguồn gen (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 1997), hơn nữa theo định hướng phát triển Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giai đoạn 2001 đến 2010 thì Giáng hương là 1 trong những loài cây gỗ lớn quí hiếm cần được chú trọng gây trồng để cung cấp gỗ cho các làng nghề sản xuất hàng mỹ nghệ và đồ mộc gia dụng cao cấp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2001).

Gỗ có giác lõi phân biệt. Giác mầu vàng nhạt, lõi mầu mâu vàng, có mùi thơm. Vòng sinh trưởng rõ ràng và dứt khoát, thường rộng 3-5mm. Mạch đơn và mạch kép, phân bố nửa vòng mạch, trong mạch thường có chất chứa mầu hồng. Tia gỗ nhỏ và hẹp, và cấu tạo thành tầng. Mô mềm dính mạch thành hình cánh nối tiếp kéo dài thành những giải hẹp liên tục hoặc gián đoạn không đều theo hướng tiếp tuyến. Sợi gỗ dài trung bình 1,04mm và có vách sợi dày.

Gỗ cứng trung bình và nặng trung bình, khối lượng thể tích của gỗ khô 730kg/m3. Hệ số co rút thể tích 0,43. Điểm bão hoà thớ gỗ 20%. Giới hạn bền khi nén dọc thớ 630kg/cm2 uốn tĩnh 1200kg/cm2. Sức chống tách 11kg/cm. Hệ số uốn va đập 0,65.

Gỗ giáng hương có đủ những tiêu chuẩn thoả mãn cho mục đích sử dụng để  làm đồ mộc cao cấp, kể cả làm ván phủ bề mặt và dùng trong những kết cấu chịu lực của đồ mộc.

Ngoài ra, giáng hương còn có nhựa màu đỏ có thể sử dụng làm thuốc nhuộm. Giáng hương có dáng đẹp có hoa thơm nên có thể trồng làm cây cảnh, cây đường phố.