Home / Tài nguyên thực vật rừng / Phyllostachys nigra (Lodd. ex Lindl.) Munro – Trúc đen

Phyllostachys nigra (Lodd. ex Lindl.) Munro – Trúc đen

Tên khoa học : Phyllostachys nigra (Lodd. ex Lindl.) Munro

Tên Việt Nam: Trúc đen

Tên địa phương :

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân cao 4-8 m, ít khi tới 10 m, đường kính 2- 3cm có thể tới 5 cm, thân non màu lục, phủ dày lông mềm nhỏ và phấn trắng, vòng mo có lông, thân trên 1 năm xuất hiện dần đốm tím, cuối cùng toàn thân biến thành màu đen tím, không lông; chiều dài lóng giữa cây 25-30 cm, bề dày vách thân khoảng 3 mm; vòng thân và vòng mo đều nổi lên, nhưng vòng thân cao hơn vòng mo hay 2 vòng cao bằng nhau. Mặt lưng bẹ mo màu nâu đỏ hay mang thêm màu lục, không có chấm đốm hay thường có chấm đốm màu nâu sẫm rất nhỏ khó nhìn thấy, những chấm đốm này thường thành đám dày đặc ở đầu bẹ mo, phủ phấn trắng với một lượng rất nhỏ và lông gai màu nâu nhạt khá dày; tai mo hình tròn dài đến hình liềm, màu đen tím, mép có lông tua màu đen tím; lưỡi mo hình cung đến hình cung nhọn, màu tím, mép có lông mảnh dài; phiến mo hình tam giác đến hình lưỡi mác dạng tam giác, màu lục nhưng gần màu tím, dạng thuyền, đứng thẳng hay về sau hơi ngả ra, cong nhăn nhẹ hoặc dạng sóng. Cành nhỏ mang 2 hay 3 lá; tai lá không rõ, có lông tua miệng bẹ dễ rụng; lưỡi lá hơi thò ra; phiến lá chất mỏng, dài 7-10cm, rộng khoảng 1,2 cm. Cành hoa dạng bông ngắn, dài 3,5-5 cm, gốc có 4-8 phiến lá bắc dạng phiến vảy to dần lên; phiến lá bắc dạng mo 4-6 chiếc, trừ mép ra không lông hay phủ lông nhỏ, tai lá không tồn tại, lông tua miệng bẹ mấy chiếc hay khuyết, lá co nhỏ nhỏ, thường dạng dùi hay chỉ là một mũi nhọn nhỏ, cũng có thể khá to thành hình lưỡi mác dạng trứng, trong nách mỗi lá bắc dạng mo có 1-3 bông nhỏ giả. Bông nhỏ hình lưỡi mác, dài 1,5-2 cm, có 2 hay3 đoá hoa nhỏ, trục bông nhỏ có lông mềm; mày trống 1-3 chiếc, thỉnh thoảng có thể không có mày trống, phần trên mặt lưng ít nhiều có lông mềm; mày ngoài mọc dày lông mềm, dài 1,2-1,5 cm; mày trong ngắn hơn mày ngoài; bao phấn dài khoảng 8 mm, đầu nhuỵ 3, dạng lông vũ.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học:

2.1 Điều kiện tự nhiên

Trúc đen phân bố ở nơi có khí hậu á nhiệt đới núi cao, chia làm 2 mùa: Mùa mưa nóng, mùa khô lạnh thường hay có sương muối và đôi khi có tuyết. Địa hình là đồi núi cao.

2.2 Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Trúc đen mọc tự nhiên, rải rác từng đám nhỏ. Cho đến nay sinh sản chủ yếu vẫn là măng lên từ thân ngầm. Chưa có theo dõi về sinh trưởng, phát triển và cũng chưa được gây trồng (cả việc trồng làm cảnh).

  1. Phân bố

Trúc đen chỉ gặp ở đỉnh hoặc sườn đồi có độ cao khoảng 1200m trở lên ở huyện Sa Pa (Lào Cai).

  1. Giá trị sử dụng

Vì có thân có màu  độc đáo nên có thể trồng làm cảnh và làm hàng mỹ nghệ. Trúc đen là loài hiếm, số lượng cây ít, vùng phân bố hẹp, có ý nghĩa khoa học cần được bảo tồn nguồn gen; Loài này được ghi trong sách đỏ Việt Nam (1996).

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Chưa có công trình nghiên cứu nào cho Trúc đen.

  1. Hiện trạng sản xuất

Dân địa phương khai thác tuỳ tiện. Chưa được gây trồng ngay cả việc trồng làm cảnh. Vì vậy, Trúc đen ngày càng khan hiếm và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

  1. Khuyến nghị

Trúc đen cần được quan tâm để bảo tồn nguồn gen hiếm này. Có thể phát triển để lấy thân tre trồng làm cảnh và làm thuốc chữa bệnh.