Home / Tài nguyên thực vật rừng / Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser – Gáo trắng

Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser – Gáo trắng

Tên khoa học: Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser

Tên Việt Nam: Gáo trắng

Tên thông thường : Kalempayan (Malaya), Laran (Sabah), Kaatoan Bangkal (Philippines), Kelempajan (Indonesia), Mau-lettan-she (Burma), Kadam (India), Gáo trắng (Vietnam).

Họ Cà phê (Rubiaceae), Họ phụ Cinchonoideae, 

         

Đặc điểm hình thái

Cây trưởng thành có thể đạt đến chiều cao 30m và có đường kính đến 100cm, cây sinh tưởng nhanh trong 6-8 năm đầu.  Ngọn cây rộng và tròn. Các cành cây sắp xếp riêng biệt thành các tầng,  cành non mọc đối vuông cạnh, sau tròn nhẵn..

Thân cây thẳng, gần như là hình trụ. Vỏ cây mỏng, hơi xù xì, hơi xám đến xám nhẹ và trơn láng ở cây còn nhỏ. Vỏ cây trở nên tối hơn và có những vết nứt theo chiều dọc ở những cây lớn tuổi, và tróc ra thành những miếng hình chữ nhật nhỏ có màu hơi vàng nâu.

Lá đơn mọc đối hình trái xoan hoặc trứng ngược dài 15-50cm, rộng 8-25cm; đỉnh có mũi nhọn; đáy tròn; bìa nguyên, gợn sóng hay không; 2 mặt không lông, cùng màu, nâu lúc khô; gân chính 1, lồi 2 mặt; gân phụ 10-12 cặp cách nhau 1,5-2 cm, đều hay hơi giảm đến đáy. Cuống lá : 2,5-3,5 cm, lõm, không lông ; lá kèm hình tam giác sớm rụng.

Quả phức hình cầu, to 3-4 cm, khi chín màu vàng chứa khoảng 8.000 hạt.

Gỗ màu trắng đến trắng vàng hay màu trắng sữa với vàng nhạt trên bề mặt phụ thuộc vào giống lai. Gỗ cây cứng và nặng (Tỉ trọng là 0.4 và chỉ số tỏa nhiệt là 4.800), thớ gỗ thẳng, sáng. Các khe rỗng rộng, hình bầu dục, thon dài, được chia nhỏ (đôi khi trong những đường tỏa tròn đồng tâm ngắn).

Phân bố:

Trên thế giới cây Gáo trắng phân bố tự nhiên ở Úc, Trung Quốc, Bangladesh, Nepal, Xri Lanka, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Singapore và Việt Nam. Chúng được giới thiệu và trồng thành công ở Costa Rica, Puerto Rico, Nam Phi, Surinam, Đài Loan, Venezuela và các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (Orwa và cs – 2009). Theo Slik (2006), Gáo trắng đã được trồng trên một quy mô lớn tại Indonesia kể từ năm 1930. Bởi vì cây tăng trưởng rất nhanh, khả năng phát triển trên nhiều loại đất, ít bị côn trùng gây hại nên N. cadamba đã được sử dụng cho tái trồng rừng và trồng rừng cho các đồn điền công nghiệp và thường được trồng để thay thế rừng tếch trồng sau khi thu hoạch. Loài này cũng được dự kiến ​​sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với ngành công nghiệp gỗ, đặc biệt là khi nguồn cung cấp gỗ dán từ rừng tự nhiên giảm. (Nair và Sumardi 2000).

Theo tạp chí (Lao Tree Seed Project- Nafri Danida – Species Monograph No. 11) Gáo trắng là một cây tiên phong lớn lên đến 45 m cao và lên tới 1.5m đường kính. Lá rụng vào mùa khô. Thông thường mọc trong rừng thứ sinh, đôi khi là cây gỗ lớn trong rừng nguyên sinh.  là loài cây phát triển nhanh khi còn trẻ và rất dễ trồng.

Theo Soerianegara và Lemmens (1993) Gáo trắng là một loài cây tiên phong điển hình phát triển tốt ở vùng đất có tầng canh tác sâu, ẩm, các vùng đất phù sa, dọc theo bờ sông và vùng chuyển tiếp giữa đầm lầy và vùng ngập định kỳ. Đôi khi có thể được tìm thấy trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh. Nó phát triển trên nhiều loại đất nhưng phong phú hơn và chiếm ưu thế trên đất đai màu mỡ. Nó phát triển chậm trên đất bị úng không thoát nước và thoáng khí, ngay cả khi thành phần cơ giới tốt.

Cây gáo là cây rừng mưa, nửa rụng lá của vùng Nam á nhiệt đới, tập trung phân bố ở vùng có nhiệt độ không khí bình quân năm 20 – 24o C, nhiệt độ tối cao 42oC, tối thấp 3oC, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1500 – 5000 mm. Tuy nhiên, một số cây cũng có thể phát triển trên các vùng khô hơn lượng mưa hàng năm thấp nhất là 200 mm, không có sương giá. Ở vùng Nam á nhiệt đới có nhiệt độ bình quân năm trên 19,5oC, nhiệt độ tối thấp cực trị 0oC, cũng có phân bố chút ít. Cây gáo dễ bị sương muối gây hại. Độ cao phân bố của Gáo từ 300m và 800m trên mực nước biển. Trong vùng xích đạo nó được tìm thấy đến một độ cao 1000m. (Martawijaya và sc. – 1989).

Công dụng:

Gáo có thân thẳng đứng, gỗ vàng nhạt kết cấu đều, sợi thô và dài, không có mùi vị dị biệt, chế biến dễ, khô nhanh, không dễ nứt, tính năng bám sơn tốt. Tính năng lực học của gỗ trung bình, các chỉ tiêu chất lượng gỗ tương đương gỗ sa mộc, nhưng tính chịu mục hơi kém, gỗ ngâm nước dễ đổi màu, ở vùng nhiệt đới gỗ dễ bị mối mọt (có thể dùng thuốc để xử lý). Gỗ gáo được dùng để sản xuất đồ gia dụng, thùng xe, trang trí kiến trúc, là nguyên liệu tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy…. Vỏ gáo, rễ gáo có thể làm thuốc. Lá gáo có thể làm thức ăn chăn nuôi. Cây gáo là cây có thân cao, lá to, tán đứng cao vót, bề thế, đẹp là cây quý trong lâm viên, công viên. Gỗ gáo dễ tạc, chạm và làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Gỗ gáo đẹp, không vỡ, không rạn nứt. Khi xẻ bằng máy bề mặt gỗ mịn, sạch và đẹp. Loài phát triển nhanh chóng là phù hợp để trồng rừng của các khu vực trọc và trong các hệ thống nông lâm kết hợp như một đai chắn gió và cây bóng mát cho cây trồng. Từ rễ và vỏ cây có thể thu được một loại thuốc nhuộm màu vàng.  (Lao Tree Seed Project- Nafri Danida – Species Monograph No. 11). Cùng với các loài cây họ dầu, cây ăn quả và cây cải tạo đất, Gáo đã được sử dụng trồng làm giàu rừng ở Malaysia. Trên các đối tượng rừng thứ sinh nghèo, tiến hành mở các rạch rộng 8-10m để trồng các loài cây nói trên. Ngoài ra, trên đối tượng rừng sau khai thác, ở Maylaysia đã sử dụng các loài cây họ đậu nhằm tạo lập môi trường thích hợp, sau đó đưa Gáo trắng và các loài cây bản địa vào trồng, tạo rừng hỗn loài cung cấp gỗ lớn.