Home / Tài nguyên thực vật rừng / Michelia mediocris Dandy (M. tonkinnensis A. Chev.) – Giổi xanh

Michelia mediocris Dandy (M. tonkinnensis A. Chev.) – Giổi xanh

Tên khoa học: Michelia mediocris Dandy (M. tonkinnensis A. Chev.)

Tên Việt Nam; Giổi xanh

Họ Mộc lan – Magnoliaceae.

 

  1. Mô tả hình thái

Giổi xanh là loài gỗ lớn, thân thẳng, chiều cao đạt tới 35 -37 m, đường kính D1,3 đạt tới 120 -150 cm. Gốc có bạnh vè thấp, phân cành tự nhiên tốt. Vỏ nhẵn, màu nâu nhạt, có điểm các vệt trắng quanh thân. Lớp vỏ trong có màu xanh nhạt. Vỏ giòn có mùi thơm nhẹ.

Lá đơn mọc cách, hình thuôn dài. Chiều dài lá 12 -30 cm, chiều rộng 6 -12 cm. Gân nổi rõ, mặt trên của lá nhẵn có màu xanh, mặt dưới xanh nhạt. Có lá kèm sớm rụng, thường để lại vòng sẹo trên cành non.

Hoa mọc nách lá, bao hoa màu trắng đục. Tâm bì rời, xếp xoắn ốc trên đế hoa. Giổi ra hoa vào tháng 3 -4, quả chín vào tháng 9 -10.

Quả có 3-5 tâm bì rời, mỗi tâm bì có từ 3 -5 hạt. Khi chín, quả tự nứt. Hạt chín có nội nhũ màu đỏ, mềm có vị ngọt. Hạt có dầu, thơm, vị cay. Hạt có thể làm thuốc đau bụng, làm gia vị.

 

  1. Đặc điểm sinh thái

Giổi xanh thường sống hỗn loài với các loài cây lá rộng khác trong các loại rừng lá rộng thường xanh. Giổi xanh có trong rừng tự nhiên hầu khắp các tỉnh phía Bắc cho tới các tỉnh ở Tây Nguyên. Ở Lào Cai giổi xanh sống hỗn loại với kháo (Machilus sp.), sồi (Lithocarpus sp.), chẹo (Engelhardtia chrysolepis).

Thường gặp giổi xanh sống với các loài khác trong rừng lá rộng thường xanh như ở các vùng sau:

Tuyên Quang: Lithocarpus sp, Cinnamomum sp, Canrium album.

Ba Vì (Hà Tây): Michelia tonkinnensis, Machilus bonii, Amessiodendron chinensis, Symplocos cochinchinensis.

Sông Hiếu (Nghệ An): Michelia tonkinnensis, Machilus sp, Aglgaia gigantea, Cinnamomum sp, Canarium album, Madhuca pasquieri.

Hà Tĩnh: Michelia  tonkinensis, Vatica tonkinensis, Cinamomum sp, Schima wallichii.

Kon Hà Nừng (Gia Lai): Michelia tonkinensis, Cinnamomum sp, Canarium allbum, Dialium cochinchinensis.

  • Những nơi có giổi xanh phân bố thường có lượng mưa: 1500- 2500 mm/năm, có 1-2 tháng khô. Độ ẩm 85 -87%.
  • Nhiệt độ: trung bình 20 -23o

Giổi thường phân bố trên các loại đất: đất nâu vàng trên phù sa cổ; đất đỏ trên mác-ma trung tính và bazic; đất đỏ vàng trên đá biến chất, đá sét; đất vàng đỏ trên đá mác-ma axit; đất vàng nhạt trên đá cát. Cây trung tính lúc nhỏ, lớn lên ưa sáng, cây chiếm tầng trên của rừng. Giổi xanh là loài cây lá rộng thường xanh quanh năm. Có 2 mùa ra hoa. Mùa chính ra hoa vào tháng 2 -3 quả chín vào tháng 9 -10. Mùa phụ ra hoa vào tháng 7 -8, chín vào tháng 3-4. Giổi xanh thường ra hoa kết quả hàng năm. Năm sai quả phụ thuộc vào thời tiết và chu kỳ sai quả. Mùa quả chín vào tháng 9 -10. Kết quả điều tra tái sinh giổi xanh ở Nghệ An và Kon Hà Nừng đều cho thấy tái sinh tự nhiên ít (Điều tra trên các ô tròn có đường kính 40m, tâm là các cây giổi đã cho quả).

  1. Công dụng

Các cây có tên là giổi ở Việt Nam hơn 30 loài. Gỗ giổi rất được nhân dân ưa chuộng sử dụng để đóng đồ, làm nhà, chạm khắc. Gỗ ít bị mối mọt, ít cong vênh, thớ mịn, bền. Giổi là một trong những loài khá phổ biến trong rừng lá rộng thường xanh. Gỗ có giác lõi phân biệt, giác mầu be vàng, lõi mầu vàng nâu, có mùi thơm. Vòng sinh trưởng rõ ràng, thường rộng 3-5mm. Mạch đơn và kép ngắn phân tán, ít khi có mạch kép dài, số lượng mạch trên 1mm2 nhiều đường kính mạch nhỏ, trong mạch thường có thể nút. Tia gỗ nhỏ và hẹp, có tế bào chứa tinh dầu thơm. Có mô mềm hình giải hẹp gian mạch và mô mềm tận cùng. Sợi gỗ dạng quản bào, dài trung bình 1,2mm và có vách mỏng. Gỗ cứng trung bình và nặng trung bình, khối lượng thể tích gỗ khô 580kg/m3. Hệ số co rút thể tích 0,46. Điểm bão hoà thớ gỗ 22%. Giới hạn bền khi nén dọc thớ 605kg/cm2, uốn tĩnh 1345kg/cm2. Sức chống tách 13kg/cm. Hệ số uốn va đập 1,03. Gỗ Giổi xanh có đủ những tiêu chuẩn thoả mãn cho mục đích sử dụng để làm đồ mộc, có thể sử dụng trong kết cấu chịu lực trung bình, chủ yếu trong xây dựng và giao thông vận tải. Dùng làm kết cấu, cấu kiện cần chịu đựng va chạm và rung đập.