Home / Tài nguyên thực vật rừng / Melanorrhoea laccifera Pierre – Sơn huyết

Melanorrhoea laccifera Pierre – Sơn huyết

Tên khoa học: Melanorrhoea laccifera Pierre

Tên Việt Nam: Sơn huyết

Họ Xoài/Đào lộn hộn (Anacardiaceae)

Cheng Mien và Min Tianlu (1980) [50] cho rằng chi Melanorrhoea thuộc họ Xoài/Đào lộn hột (Anacardiaceae) gồm 20 loài, trong đó có Sơn huyết có tên khoa học là Melanorrhoea laccifera Pierre. Sơn huyết có phân bố tự nhiên chủ yếu ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam (Cheng Mien, Min Tianlu, 1980) [50]; Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên (2000) [8].

Theo Global plants, Sơn huyết thuộc họ Xoài/Đào lộn hộn (Anacardiaceae) được tác giả Pirre phát hiện, thu thập mẫu tiêu bản lá và quả vào tháng 3/1870 ở Vườn thực vật Hoàng Gia Cămpuchia (tỉnh Sangong Tong).

Nguyễn Hoàng Nghĩa (2006) [29] cho rằng ở Việt Nam, chi Melanorrhoea có 2 loài: Sơn huyết và Sơn đào; hai loài này có nhiều điểm tương đồng về hình thái.

Đặc điểm hình thái cây Sơn huyết: Sách đỏ Việt Nam (2007) [39] và các tác giả như Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên (2000) [8]; Hồ Văn Phúc (2000) [28]; Phạm Hoàng Hộ (2003) [18]; Nguyễn Hoàng Nghĩa (2006) [29] mô tả Sơn huyết là cây gỗ lớn thường xanh, cao 20-30m, đường kính thân 60-80 cm, phân cành cao, tán lá hình cầu; vỏ ngoài màu xám, nứt dọc dạng vảy to, thịt vỏ dày, vỏ trong màu trắng, có nhựa mủ màu vàng, lúc khô có màu đen. Lá đơn mọc cách, hình bầu dục, phiến lá to 7-10 x 12-20 cm, không lông 2 mặt, đáy nhọn đầu tù hay nhọn; gân thứ cấp 16-24 cặp, hình vòng cung, gân tam cấp hình mạng nổi rõ mặt dưới; cuống lá dài đến 1,5 cm, không lông.

Cụm hoa hình chùm kép ở nách lá, phân nhánh thưa, có phủ lông tơ ngắn, cuống hoa dài hơn hoa, có lông dài. Hoa đều lưỡng tính mẫu 4-5, đài không lông dạng mũ sớm rụng. Cánh tràng 4-5, hình dải, dài 1,5-2cm, xòe rộng và sống dai cùng với quả. Nhị nhiều khoảng 30, xếp thành 4 vòng, hình trụ, bao phấn đính gốc. Bầu có lông ở cuống.

Quả hạch hình cầu, rộng 3-4 cm, dẹt ở hai đầu, nhẵn, ở cuống cách gốc quả 1-1,5cm có cánh hoa phát triển thành cánh quả xòe ra. Quả có cuống dài tới 1,5-2cm. Khi chín vỏ quả màu nâu hoặc vàng nhạt. Mùa quả ở Bà Rịa-Vũng Tàu chín vào tháng 4-5, ở các tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Nam) và Tây Nguyên (Lâm Đồng) quả chín vào tháng 7, tháng 8, có khi kéo dài tới giữa tháng 9. Cây không cho nhiều quả và phải 2-3 năm mới sai quả một lần. Tái sinh bằng hạt tốt.

Đặc điểm phân bố và sinh thái

Sơn huyết là cây ưa sáng, thường mọc rải rác hay đám nhỏ trong rừng thưa cây lá rộng, đất khô nghèo dinh dưỡng, cũng có thể gặp trong rừng kín thường xanh. Sơn huyết có phân bố khá rộng từ Bắc vào Nam, thường gặp ở các tỉnh thuộc Nam Bộ và Trung Bộ (Lê Mộng Chân và cs, 2000) [8]. Sơn huyết thường gặp ở rừng thưa, hoặc rừng thường xanh nơi có cao độ thấp ở Phú Thọ, Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé (Phạm Hoàng Hộ, 2003) [18]. Theo IUCN (2007) [39], Sơn huyết có phân bố khá rộng, từ Phú Thọ (Cầu Hai), Ba Vì (Hà Nội), Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Sơn huyết thường sống trong rừng thưa nhiệt đới, ở độ cao dưới 1200 so với mực nước biển (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2006) [29].

Sơn huyết cũng được tìm thấy ở sinh cảnh rừng thứ sinh, sinh cảnh rừng cây họ dầu ở khu vực núi Hàm Rồng, vườn quốc gia Phú Quốc (Đặng Minh Quân và cs, 2012) [31].

Gần đây, Sơn huyết được tìm thấy ở Phong Quang, Hà Giang và là một trong 156 loài thực vật quí hiếm, bị đe dọa theo sách đỏ Việt Nam 2007 (Vũ Anh Tài và cs, 2014) [32].

Công dụng và giá trị

Khi đề cập tới công dụng và giá trị của cây Sơn huyết, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (2003) [40]; Sách đỏ Việt Nam (2007) [39]; Nguyễn Hoàng Nghĩa (2006) [29] cho rằng Sơn huyết vừa là cây gỗ quý, vừa cho sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có giá trị, nhựa cây có thể làm sơn dùng để quét lên các vật dụng đan lát làm cho rổ rá, tàu thuyền không thấm nước, dùng để sơn tượng gỗ. Gxỗ màu nâu đỏ, cứng (tỷ trọng 0,9), thường dùng trong xây dựng; lõi gỗ rất bền, thường dùng làm cột nhà, đồ thờ cúng như: tủ thờ, lọ lộc bình hoặc những đồ gỗ thông dụng khác, có thể làm khuôn, làm đồ tiện, đồ chơi.