Home / Tài nguyên thực vật rừng / Litsea glutinosa Roxb – Bời lời đỏ

Litsea glutinosa Roxb – Bời lời đỏ

Tên khoa học: Litsea glutinosa Roxb

Tên Việt Nam: Bời lời đỏ

Họ: Long não (Lauraceae)

Phân loại, hình thái và vật hậu

Bời lời đỏ thuộc họ Long não (Lauraceae) được tìm thấy ở Ấn Độ, Malaysia và Philippines có xuất xứ từ Nam Phi và được gọi với nhiều tên khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia (Mishra et al., 2010 [40]; Perumal 2014) [41]. Ở Việt Nam tên khoa học của Bời lời đỏ đôi khi chưa thống nhất giữa các tác giả khi nghiên cứu về loài cây này.

Bời lời đỏ còn được tìm thấy trong rừng ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới, phát triển ở các nước Châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan Lào, Campuchia, Indonesia, Borneo, và Philippines…), Australia, New Zealand, Bắc Mỹ đến Nam Mỹ  (https://en.wikipedia.org) [46].

Bời lời đỏ là cây gỗ nhỡ thường xanh cao 20-25 cm, đường kính 20-30 cm, đôi khi đạt 40 cm (Pradeepa et al., 2013 [42]; Bảo Huy 2009 [21]). Thân tròn, thẳng, cành nhỏ, phân cành sớm, vỏ ngoài màu xám trắng, biểu bì không nổi rõ, vỏ trong màu vàng nhạt có mùi thơm. Lá đơn, mọc cách hay gần đối xứng, lá thuôn dài 12-13 cm, rộng 3-4 cm, mũi nhọn, gốc hình nêm, hai mặt nhẵn, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới hơi bạc có 7-10 đôi gân bên, cuống lá mảnh, dài 7-10mm. Cụm hoa dạng tán hay chùy, có 9-12 nhị đực, 1 nhụy cái, cánh hoa có lông mịn. Hoa màu vàng nhạt, ra hoa tháng 5- tháng 6, quả chín tháng 10- tháng 11 (Chowdhury et al., 2008) [56]. Quả hạch hình cầu, đường kính 10-15mm, khi chín có màu tím hơi đen, có phủ lớp phấn trắng (https://en.wikipedia.org) [46].

Đặc điểm phân bố, sinh thái và khả năng gây trồng

Bời lời đỏ được phân bố rải rác khắc nơi trên thế giới, phát triển tập trung tại các nước Châu Á, Australia, New Zealand, Bắc Mỹ đến Nam Mỹ và Trung Quốc.

Bời lời đỏ là loài cây bản địa, phân bố ở độ cao 600 – 700m trở xuống, mọc nhiều và phổ biến trong rừng thứ sinh, thường gặp ở cửa rừng, ven các khe suối, trên các nương rẫy của đồng bào dân tộc, phân bố tự nhiên khá rộng ở nhiều vùng sinh thái, trong đó chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, Phú Quốc,…(Hà Văn Hoan, 2015 [19]; Bảo Huy 2009 [21]).

Bời lời đỏ là loài cây ưa sáng, có thể gây trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Gây trồng trên đất sét pha, đất có tầng dày trên 50 cm có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình, đất ẩm và thoát nước, nhiều mùn ở độ cao 200 – 500 m so với mặt nước biển, độ dốc < 30%, có khả năng tái sinh hạt, chồi mạnh ở những nơi có nhiều ánh sáng, sinh trưởng nhanh ở lập địa thích hợp với các điều kiện lượng mưa hàng năm 2.000 – 3.000 mm, nhiệt độ bình quân hàng năm 23 – 250C, nhiệt độ tối thấp không dưới 12 – 160 C… thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển (Hà Văn Hoan, 2015) [19].

Bời lời đỏ đã được gây trồng, phát triển và được biết đến như loài cây xóa đói giảm nghèo tại Tây Nguyên đặc biệt là hai tỉnh Kom Tum và Gia Lai. Hiện tại toàn tỉnh Gia Lai đã có khoảng 10.000 ha Bời lời đỏ chủ yếu là ở qui mô vườn hộ, điển hình nhất là huyện Chư Păh, đã trồng khoảng 1000 ha. Các huyện vùng Tây Trường Sơn như Măng Yang, Đắk Đoa, Ia Grai cũng gây trồng loài cây này và sinh trưởng khá tốt (Báo Gia Lai, 2012) [1].

Công dụng và giá trị

Bời lời đỏ là loài cây đa mục đích, vỏ màu vàng nhạt, chứa tinh dầu thơm sử dụng  trong y học làm hương thơm và keo dán công nghiệp hoặc sơn, có mùi thơm, gỗ bời lời có màu nâu vàng, cứng không mối mọt sử dụng làm nguyên liệu giấy hoặc gỗ củi, đóng đồ dùng, có thể làm thức ăn gia súc (Bảo Huy 2009 [21]; https://en.wikipedia.org [46]). Thân và cành được dùng làm gỗ sợi ép, làm giàn giáo, làm guốc, làm vỏ bút chì và các đồ gia dụng, vỏ và lá của Bời lời đỏ  được dùng làm bột nhang, công nghệ keo… (Bảo Huy, 2009) [21]. Ngoài ra các rễ và hạt của Bời lời đỏ có nhiều  giá trị sử dụng  công nghiệp và dược liệu. Prusti et al. (2008) [43] cho rằng các lá có tác dụng chống co thắt, sử dụng như một chất làm mềm vết thương đặc tính chữa bệnh. Rễ và lá được sử dụng cho chữa bệnh của bong gân và vết bầm tím trên người.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng như người dân trên khắp cả nước quan tâm và biết đến đến công dụng của Bời lời đỏ trong lĩnh vực y dược. Bời lời đỏ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau trong y dược học như vỏ Bởi lời đỏ được giã nát đắp lên nơi sưng, bỏng, vết thương, vỏ Bời lời đỏ dùng để sắc nước uống chữa bệnh đường ruột, lỵ. Nước ngâm vỏ Bời lời đỏ dùng bôi lên đầu giúp làm mượt tóc…. Ngoài ra vỏ, thân gỗ và cành lá có thể làm nguyên liệu đóng đồ gia dụng, làm bột nhang, công nghệ keo… Một số cơ sở sử dụng lá để chưng cất tinh dầu, tuy nhiên đến nay chưa có nghiên cứu, đánh giá về giá trị sử dụng của loại tinh dầu này.

Những năm gần đây, hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum và một số địa phương khác phong trào trồng cây Bời lời đỏ trên vườn hộ, vườn rừng phát triển phổ biến. Theo thống kê của báo Gia Lai (2012) [1], một hecta Bời lời đỏ trồng đến thời điểm thu hoạch tại Tây Nguyên cho thu nhập khoảng 130 đến 150 triệu đồng: 1kg vỏ Bời lời đỏ khô bán được bình quân từ 23.000 đến 25.000 đồng, giá 1m3 gỗ Bời lời đỏ khoảng 1.500.000 đồng. Thân cây Bời lời đỏ đường kính trên 20cm, cao 8m có giá từ 800.000đ đến 1.200.000đ/cây.

Một số nước đã tập trung nghiên cứu tách chiết các hoạt chất có trong rễ, vỏ, lá và hạt của cây Bời lời đỏ, dùng làm dược liệu và có tích chất sử dụng trong công nghiệp như các loại dầu chiết xuất từ hoa quả, vỏ cây. Ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước trên thế giới các hoạt chất này được sử dụng để chữa bệnh thấp khớp, chữa lành các vết thương, sử dụng như một thành phần để chữa bệnh ký sinh trùng đường ruột, sử dụng dầu từ hạt để làm xà phòng (Mandak et al. 2000 [54];. Devi & Meera 2010 [51]). Ở Indonesia chiết xuất từ vỏ và lá cây tạo ra các chất 2,9 Dihydroxy và một vài chất khác 1,10 Dimethoxyaporhine; 6 methoxyphenanthrene 9% (Amit  et al. 2012 [39]; Lê Văn Minh, 1996; Bảo Huy 2009 [21]) sử dụng vào điều trị và chữa bệnh.

Một số nghiên cứu khác đã xác định các loại dầu chiết xuất từ gỗ Bời lời đỏ sản xuất ra các axit béo sử dụng trong công nghiệp và làm nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học ở Phía nam Châu Phi, Ấn Độ (Perumal 2014 [41]; Amit et al 2012 [39]; Chen et al. 2008 [49]).  Mandal et al (2000) [54] cho thấy chiết xuất, chưng cất sản phẩm Bời lời đỏ dưới dạng methanol có khả năng làm ức chế vi khuẩn. Hosamath (2011) [53] tìm thấy một số hợp chất trong vỏ của Bời lời đỏ gồm: tannin, beta-sitosterols, boldine, norboldine, laurotetanine, n-methylactinodaphnine, quercetin, sebiferine, litsiferine, kaempferol-3-glucoside, axit amin…. được sử dụng trong y học có hiệu quả làm giảm huyết áp. Các axit béo như α-cubebene, (E)-ocimene, caryophyllene…được tìm thấy trong quả Bời lời đỏ, là một lựa chọn hợp lý để làm nguyên liệu cho dầu diesel sinh học (Chowdhury et al., 2008 [56]; Perumal 2014 [41]). Ngoài ra, chúng còn có giá trị trong sản xuất bột giấy và đồ mộc và lá sử dụng để làm thức ăn, vì vậy là loài được đưa vào trong chương trình bảo tồn quốc gia ở Philiphines.

Ở Trung Quốc, Bời lời đỏ đã được nghiên cứu trên cấu trúc, thành phần hóa học và chiết xuất tinh dầu từ các sản phẩm tươi và khô từ vỏ, lá, quả và các thành phần khác trong cây…, chưng cất để làm dược liệu điều trị vết thương, lở loét, nôn mửa và tiêu chảy đau mắt…. Ngoài ra chúng chiết xuất nguồn nguyên liệu công nghiệp như xà phòng (Chen et al. 2008 [49]; Amit  et al. 2012 [39]; Bảo Huy 2009 [21]; Hà Văn Hoan, 2015 [19]).

Mặc dù có một vài nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống như giâm hom, nuôi cây mô và chuyển gen của Bời lời đỏ (Somashekhar & Sharma  2002 [45]; Shah et al  2013 [44];  Haque et al 2014 [52]) đã chỉ ra trên trên thế giới trong vài năm gần đây. Hầu như các nghiên cứu về vi nhân giống như invitro, giâm hom của Bời lời đỏ chủ yếu tập trung phát triển nhân rộng loài Bời lời trên quy mô thương mại đáp ứng yêu cầu công nghiệp dược phẩm và bảo tồn né tránh tuyệt chủng loài. Các nghiên cứu này đã sử dụng chiết xuất lá, vỏ cây từ những cây trồng nguồn vật liệu nuôi cấy mô tế bào, chuyển gen, và giâm hom để sản xuất sản phẩm y dược và nguồn nguyên liệu sinh học, bước đầu đạt kết quả cao mang lại giá về mặt kinh tế (Shah et al  2013 [44];  Haque et al 2014 [52]).