Home / Tài nguyên thực vật rừng / Indosasa parvifolia C.S.Chao et Q.H.Dai – Vầu ngọt lá nhỏ

Indosasa parvifolia C.S.Chao et Q.H.Dai – Vầu ngọt lá nhỏ

Tên khoa học: Indosasa parvifolia C.S.Chao et Q.H.Dai

Tên Việt Nam : Vầu ngọt lá nhỏ

Tên địa phương : Vầu ngọt

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân cao 6m, đường kính 3,5cm, thân màu màu lục sẫm, phủ dày lông gai ngắn màu trắng, không có phấn trắng, chỉ phía dưới đốt có vòng phấn trắng, thân già màu lục hay màu lục xám; chiều dài lóng giữa thân 25-40cm, vách thân khá dày, khoang trống nhỏ, tuỷ thân hơi dạng mùn cưa; vòng thân nổi lên mạnh, mỗi đốt thân có 3 cành, đôi khi 1 hay 2 cành, cành chếch lên và vươn dài, vòng cành nổi lên dạng đầu gối cong. Mo rụng sớm, lưng bẹ mo màu vàng cam, phủ phấn trắng, lông gai nhỏ màu nâu, rộng 1cm, cao 5-7mm, hai mặt có lông ngắn màu nâu, lông tua triển khai dạng toả xoè, cong cuộn, dài 1-1,5cm; lưỡi mo rất lùn thấp, cao 1-2mm, đầu phủ lông mảnh rất ngắn; phiến mo màu lục, hình tam giác hay hình lưỡi mác dạng tam giác, đứng thẳng, gốc thu hẹp vào trong, 2 mặt đều phủ lông gai ngắn. Cành nhỏ cấp cuối có 4-7 lá; bẹ lá không lông; tai lá nhỏ, lông tua đứng thẳng, dễ dụng; phiến lá cũng dạng nhỏ, hình lưỡi mác dạng dải hay hình lưỡi mác, dài 6-14cm, rộng 1-1,5cm, 2 mặt không lông nhưng mặt dưới màu lục phấn, gân cấp hai 3-4 đôi, gân ngang nhỏ rõ.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên: Vùng Vầu ngọt lá nhỏ phân bố có khí hậu nhiệt đới hoặc á nhiệt đới với độ cao hơn 500 m so với mặt biển. Đất Feralit đỏ vàng ở vùng núi thấp hay xám ở vùng núi cao.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Vầu ngọt lá nhỏ hỗn giao trong rừng tự nhiên thứ sinh vùng núi cao, tầng trên thường có ít cây gỗ thuộc họ Re, họ Dẻ. Cũng gặp ở những lâm phần Vầu ngọt thuần loại với diện tích nhỏ. Mùa ra măng từ tháng 12 năm trước đén tháng 2-3 năm sau. Chưa có nghiên cứu sinh sản sinh trưởng và phát triển măng của Vầu ngọt lá nhỏ.

  1. Vùng phân bố

Vầu ngọt lá nhỏ phân bố tự nhiên ở vùng trung tâm Bắc Bộ có nhiều ở tỉnh Hà Giang.

  1. Giá trị sử dụng

Người dân địa phương thường dùng trong xây dựng, lấy măng ăn. Do ở vùng sâu vùng cao đi lại khó khăn nên chưa trở thành hàng hoá.

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu về kỹ thuật kinh doanh Vầu ngọt lá nhỏ.

  1. Hiện trạng sản xuất:

Người dân tuỳ tiện thu hái trong rừng tự nhiên.

  1. Khuyến nghị:

                Trong quy hoạch rừng có phương án bảo vệ để phục hồi phát triển Vầu ngọt lá nhỏ.