Home / Tài nguyên thực vật rừng / Indosasa crassiflora McClure – Măng đắng

Indosasa crassiflora McClure – Măng đắng

Tên khoa học:  Indosasa crassiflora McClure

Tên Việt nam: Măng đắng

Tên địa phương: Vầu sặt, Tre đắng , Tre róc, Măng đắng

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân cao 5m, đường kính 4cm, thân mới màu lục; lóng phủ phấn trắng, phấn trắng phía dưới đốt khá dày, không lông, lóng đốt giữa thân dài 40-65cm, vách thân dày, khoang trống ruột lóng gốc rất nhỏ, gần đặc ruột, tuỷ thân rất mỏng; vòng thân nổi lên mạnh, dạng đầu gối cong; lóng đốt dài 1cm; mỗi đốt giữa cây có 3 cành, vòng cành nổi lên mạnh. Măng màu lục hay màu lục vàng; bẹ mo rụng, ngắn hơn lóng, mặt lưng lúc khô màu nâu, có vân sọc dọc màu nâu sẫm, có chấm đốm không rõ, mép 2 bên phần trên thường màu cháy khô phủ dày lông gai màu nâu sẫm, nhất là ở gốc, một bên (đôi khi 2 bên) gần không lông, hai bên đỉnh bẹ mo không đối xứng rõ rệt; tai mo khuyết, nhưng có 1 ít lông tua uốn cong; lưỡi mo đầu gần hình cắt ngang, cao khoảng 2mm, đầu có xẻ răng; phiến mo hình lưỡi mác dạng tam giác hẹp, dài khoảng 2-3cm, gốc hẹp hơn miệng bẹ mo, lật ra ngoài, 2 mặt phủ lông gai ngắn. Cành nhỏ có 4-6 lá; bẹ lá không lông, tai lá không phát triển, lông tua ít, vươn thẳng hay rụng; lưỡi lá rất lùn ngắn, cao chưa tới 1mm; phiến lá khá to, hình lưỡi mác dạng dải, dài 11-23 cm, rộng 2-4,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm hay hình nêm rộng, 2 mặt không lông, mặt dưới có phấn trắng, một mép có răng cưa, gân cấp hai 5-8 đôi, gân ngang nhỏ rõ. Bông nhỏ giả 1-3 chiếc mọc tập trung ở các đốt trên cành nhỏ có lá hay cành nhỏ không lá, to lớn, dài 6-12,5 cm, rộng 7-10 mm, không cuống; phiến lá bắc 4-8 chiếc, chỉ 1 hay 2 chiếc phía dưới nách không có chồi, to dần lên trên, có nhiều gân, đầu không lông; bông nhỏ chứa 7-13 hoa nhỏ, lóng trục bông nhỏ dài 6-8mm, không lông, có ánh bóng; mày ngoài chất da, dài 1-1,3 cm, rộng khoảng 1cm, đầu tù nhưng có mũi nhọn nhỏ, lưng cong tròn, nhẵn không lông, có nhiều gân, gân ngang nhỏ không rõ; mày trong dài gần bằng mày ngoài hay hơi dài hơn, nhưng khá hẹp đầu tù, gân dọc không rõ; cánh vảy hình tròn dài, dài khoảng 3,5mm, có nhiều vân gân, mép trong suốt không lông hay dày lên và lưng cùng với mép có lông; bao phấn màu vàng; bầu hình thoi hẹp, không lông, vòi 1, không lông, đầu nhuỵ xẻ 3, dạng lông.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên:

Cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa. Địa hình đồi núi thấp có độ dốc không lớn, tầng đất sâu trung bình, thoát nước tốt. ở chân đồi, ven khe, măng đắng sinh trưởng tốt hơn.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Măng đắng mọc tự nhiên ở tầng dưới trong rừng thứ sinh, có thể cùng với một vài loài tre khác như Lùng, Nứa; tầng trên thường chỉ còn cây gỗ tạp, hoặc thuần loại tre (không còn cây gỗ tầng trên). Hàng năm mùa măng từ tháng 3 đến tháng 7. Chưa có nghiên cứu sinh trưởng, phát triển của măng.

  1. Vùng phân bố

Măng đắng có ở vùng Bắc Trung bộ và Đông Bắc bộ, tập trung nhiều ở tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Quảng Ninh.

  1. Giá trị sử dụng

Loại to dùng trong xây dựng, nguyên liệu làm đũa. Loại nhỏ làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm phên che, dàn leo cho sản xuất nông nghiệp. Loại to bán theo cây, loại nhỏ bán theo bó. Măng ăn đắng, không ngon, đồng bào dân tộc vùng núi cũng ít ăn.

  1. Kỹ thuật kinh doanh:Chưa có công trình nghiên cứu nào cho tre Măng đắng.
  2. Hiện trạng sản xuất:Cho tới nay việc quản lý rừng măng đắng không chặt chẽ. Người dân tuỳ tiện khai thác theo nhu cầu sử dụng và thu mua của tư thương. Vì vậy, rừng gần đường giao thông bị tàn kiệt. Tuy là rừng thuần loại nhưng cây nhỏ, cây già không có, rừng ở xa cũng suy giảm, tái sinh không kịp cho khai thác.
  3. Khuyến nghị

Rừng măng đắng cần được qui hoạch và quản lý chặt chẽ, cần có nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật để rừng Măng đắng phục hồi, tái sinh đáp ứng nhu cầu khai thác.