Home / Tài nguyên thực vật rừng / Glyptostrobus pensilis K.Koch – Thông nước; Thủy tùng

Glyptostrobus pensilis K.Koch – Thông nước; Thủy tùng

Tên khoa học: Glyptostrobus pensilis K.Koch

Tên Việt Nam: Thủy tùng

Tên khác: Thông nước

Họ: Hoàng đàn (Cupressaceae).

Phân họ: Bụt mọc (Taxondioideae)

Chi:

Đặc điểm hình thái: Thủy tùng được mô tả là cây cao khoảng 20-30m và đường kính khoảng 60 – 70cm (-120cm), tán hình nón. Rễ thở lan tỏa cách thân chính từ 6 đến 7m. Vỏ cây dày màu nâu xám. Sinh trưởng như một loài cây ưu thế trong khu vực rừng ngập nước, đôi khi là rừng thuần loài. Chỉ có phân bố tại Quảng Đông (Trung Quốc) và Đắk Lắk (Việt Nam). Ngoài ra Thủy tùng còn được trồng sưu tập tại vườn thực vật Christchurch (Christchurch Botanic Gardens (New Zealand) và vườn thực vật của đại học California (Mỹ).

Phân bố: Thủy tùng có phân bố ở Việt Nam, Trung Quốc và gần đây đã phát hiện thêm một quần thể Thủy tùng tại Lào. Ở Việt Nam, chỉ còn 162 cá thể Thủy tùng, phân bố chủ yếu ở hai trạm bảo vệ Thủy tùng của tỉnh Đắk Lắk là trạm Trấp Ksor (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) và trạm Earal (xã Earal, huyện EaH’Leo) (Trần Vinh, 2011) [33]. Tại Trung Quốc, theo Ma Qing Wen và cộng sự (2004) [48], Thủy tùng từng có phân bố tự nhiên tại Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và Vân Nam nhưng hiện nay chỉ còn được trồng di thực tại một số khu bảo tồn, trường đại học và vườn sưu tập thực vật của một số cơ sở nghiên cứu mà không có cây tự nhiên. Tại Lào, Thủy tùng mới được phát hiện vào năm 2007 tại khu bảo tồn quốc gia Nakai-Nam Theun, tỉnh Borikhamxai với số lượng cá thể chưa xác định (Averyanov Leonid và cộng sự, 2009) [35].

Theo Thomas P. và cộng sự (2011) [50] thì Thủy tùng là loài ưa sáng và thường phát triển thuần loài ven sông suối. Tại Trung Quốc, Thủy tùng chủ yếu được tìm thấy ở vùng đầm lầy ngập nước hoặc gần nước. Ở Việt Nam và Lào, loài cây này xuất hiện gần suối và vùng ngập nước không thường xuyên ở độ cao từ 500 đến 700m.

Tại Trung Quốc, Xing Xu In-boa Yu (1980) [56] đã nghiên cứu sinh trưởng của Thủy tùng ở châu thổ sông Pearl, kết quả cho thấy chế độ ngập và mức độ ngập nước là yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của Thủy tùng. Dưới những điều kiện thuận lợi, Thủy tùng sinh trưởng với tốc độ nhanh và đều trong 10 năm đầu. Thủy tùng còn là loài chịu khá với nước ngập mặn, khi còn nhỏ chúng có thể chịu được độ mặn 0,28%.

Theo Han Lijuan (1996) [53] Thủy tùng phân bố ở 21,45 đến 29,35 vĩ độ Bắc và 110,14 đến 119,27 kinh độ Đông, độ cao dưới 1.000m. Thủy tùng là cây ưa sáng, ưa ẩm, nhiệt độ bình quân từ 15-22oC, lượng mưa năm từ 1.500-2.000mm, phân bố chủ yếu ở mép sông, đồng ruộng, pH từ 6-7, nhiệt độ thấp rễ cọc kém phát triển chỉ phát triển rễ bên.

Giá trị sử dụng

Thủy tùng được nhiều nhà khoa học quan tâm vì có giá trị cao cả về kinh tế và giá trị khoa học. Về kinh tế, Thủy tùng là loài cây cho gỗ lớn rất bền trong điều kiện ngâm nước hoặc chôn trong đất, trong sinh cảnh đầm lầy hoặc ngập nước; gỗ tốt, có mùi thơm, thớ mịn, không bị mối mọt, nứt nẻ, cong vênh, dễ gia công, nên được sử dụng làm đồ dùng gia đình, đồ mỹ nghệ, … vỏ Thủy tùng chứa tanin; cành lá và nón chín dùng làm thuốc chữa phong thấp, giảm đau, làm săn da. Mặt khác Thủy tùng còn là cây dược liệu để chữa một số bệnh như phong thấp, giảm đau, săn da. Cây còn có dáng đẹp, có thể trồng làm cảnh hoặc trồng ven hồ ao để giữ đất, chống xói lở (Bảo Huy, 2010) [11]. Về khoa học, do Thủy tùng là loài duy nhất còn tồn tại thuộc chi Glyptostrobus và được xem như hóa thạch sống của ngành hạt trần (Ma Qing Wen và cộng sự, 2004) [48]. Là loài thực vật quý hiếm không những ở Việt Nam mà trên thế giới do các quần thể tự nhiên Thủy tùng hiện còn lại rất nhỏ. Chính vì vậy, Thủy tùng đã được rất nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và là đối tượng cần được bảo tồn theo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012) [2].