Home / Tài nguyên thực vật rừng / Gigantochloa mum sp. nov. – Mum

Gigantochloa mum sp. nov. – Mum

Tên khoa học: Gigantochloa mum sp. nov.

Tên Việt nam: Mum

  1. Đặc điểm nhận biết

Mum là loài tre mọc tự nhiên, không gai, kích thước trung bình. Thân ngầm dạng củ, mọc cụm  nhưng không chen chúc, có chừng 40 cây trong mỗi khóm.Thân thẳng, tròn đều, có ngọn cong. Thân cây khi non mầu xanh sẫm, cây già mầu xanh vàng. Đốt thân không nổi rõ. Những đốt gần gốc thường ngắn, sau đó dài dần và đạt đến chiều dài tối đa ở những dóng bắt đầu có cành. Lóng thân nhẵn, tròn đều. Bẹ mo hình chuông cân, khi non mầu xanh nhạt hơi vàng; khi già xanh nhạt; Mặt ngoài có nhiều lông đen, tập trung ở 2/3  phía trên của bẹ mo. Tai mo to, hơi soăn, lông dài mầu nâu đen. Lá mo hình mũi giáo, đứng thẳng, sớm rụng, mặt ngoài nhiều lông mầu nâu đen. Thìa lìa hình lưỡi, cao khoảng 4mm, không lông. Cụm cành từ khoảng 1/2 thân ở phía trên. Mắt cành trên thân không nổi rõ. Phiến lá dạng thuôn dài, mặt trên mầu xanh sẫm, mặt dưới mầu xanh bạc, lá mềm và nhẵn, có 18-20 đôi gân chính, gân phụ không rõ. Cụm hoa đầu cành, cành hoa dài, mỗi nách cành hoa có 1-3 hoa, hoa có mầu xanh hơi vàng, nhị vàng.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên: Cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa với mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Địa hình đồi núi thấp, có độ cao trên 500m so với mặt biển trên đất đỏ bazan sâu, ẩm, khả năng thoát nước tốt. Hay gặp Mum ở ven chân núi hay nơi có độ dốc không lớn.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Mum mọc tự nhiên trong rừng thứ sinh, hỗn giao với cây gỗ, Lô ô và chiếm tầng thứ 2 của tán rừng.  Sinh sản hàng năm là măng lên từ cây mẹ, khả năng tái sinh tự nhiên tốt. Mùa măng từ tháng 7 đến tháng 10. Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng và phát triển của măng.

  1. Vùng phân bố

Vùng Tây nguyên và Tây Nam Bộ, có nhiều ở Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước.

  1. Giá trị sử dụng:Mum được khai thác để bán làm nguyên liệu sản xuất giấy, đan sọt hoặc làm đũa. Dân địa phương còn sử dụng Mum làm phên và vách nhà, đòn tay, rui mè vì Mum tương đối cứng. Măng hơi đắng nên ít khai thác lấy măng ăn.
  2. Kỹ thuật kinh doanh:Chưa có công trình nghiên cứu nào cho cây Mum. Mới thu được hoa, chưa rõ khả năng kết hạt và nẩy mầm.
  3. Hiện trạng sản xuất

Cho đến nay người ta chỉ khai thác Mum trong rừng tự nhiên, chưa gây trồng, khai thác tuỳ theo yêu cầu của thị trường. Giá cả tuỳ thời điểm.

  1. Khuyến nghị

Mum là cây có thể dùng vào nhiều công việc khác nhau, cần có nghiên cứu sử dụng Mum hợp lý, đảm bảo khai thác lâu dài, ổn định.