Home / Tài nguyên thực vật rừng / Erythrophloeum fordii Oliv. – Lim xanh

Erythrophloeum fordii Oliv. – Lim xanh

Tên khoa học:  Erythrophloeum fordii Oliv.

Tên Việt Nam: Lim xanh

Họ Vang – Caesalpiniaceae.

  1. Mô tả hình thái

Theo Ganep (1908) chi Erythrophloeum có 3 loài: E. fordii Oliv; E. cambodianum Ganep; E. succirubrum Ganep. Việt Nam có loài E. fordii  Oliv.  

Lim xanh là loài cây gỗ lớn, chiều cao đạt tới 37 – 45 m, đường kính đạt 200 – 250 cm. Lúc non vỏ có màu xám bạc với các vệt màu nâu nhạt, khi già vỏ có màu nâu sẫm, nứt ô vuông, bong vảy, có nhiều bì khổng nổi rõ. Gốc có bạnh vè nhỏ. Tán lá phát triển, xanh rậm quanh năm. Cành nhánh cong queo, có nhiều mấu mắt.

Lá lim xanh có 3 giai đoạn biến đổi hình thái:

+ Lúc 1 -2 tháng tuổi lá đơn mọc cách (3 -5 lá).

+ Khi cây 3 -5 tháng tuổi, có lá kép lông chim 1 lần.

+ Cây từ 6 tháng tuổi trở lên có lá kép lông chim 2 lần với 3 -5 cặp cuống lá thứ cấp, mỗi cuống có 3 đến 17 lá chét mọc cách, hình trái xoan, đuôi lá tròn, đầu lá dạng mũi nhọn. Mặt trên phiến lá màu xanh sẫm và nhẵn bóng, mặt dưới phiến lá màu xanh nhạt có gân nổi rõ.

Hoa tự mọc thành chùm đầu cành, dạng hình bông dài 20 -30 cm, hoa nhỏ, màu trắng. Đài hoa hợp hình ống dài, có 5 thùy xếp liền và bằng nhau. Tràng hoa có 5 cánh rời. Nhị có 10 cái không đều nhau, bao phấn quay vào trong và nứt theo kẽ. Vòi nhụy ngắn, đầu nhụy không rõ. Hoa nở vào tháng 3-4.

Quả giáp thuôn dài 15 – 30 cm, rộng 3-4 cm, có 6 -12 hạt. Hạt lớn dẹt, hình vuông, góc tù có đầu nhọn. Trọng lượng 100 hạt khoảng 100 -110 gr. Hạt có vỏ cứng màu đen bao bọc, xếp lợp lên nhau. Quả chín tháng 12 đến tháng 1 năm sau.

Lim xanh là loài cây lá rộng thường xanh. Mùa ra hoa tháng 3 -4 hàng năm. Mùa quả chín; tháng 12 -1 hàng năm.

2 . Đặc điểm sinh thái

Lim xanh phân bố từ 10,47 vĩ độ Bắc (Hàm Tân, Bình Thuận) đến 23 vĩ độ Bắc và 102 o đến 108 o kinh Đông. Nhưng chủ yếu tập trung từ 17 đến 23 vĩ độ Bắc. Các tỉnh có lim xanh phân bố tự nhiên: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng. Lim xanh phát hiện thấy ở Hàm Tân (Bình Thuận). Lim xanh có ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang, ven phía đông Đài Loan, Trung Quốc (Trung Quốc Thụ mộc chí, 1976).

Lim xanh phân bố ở độ cao từ 300 – 400 m trở xuống. Song ở độ cao 800-900 m cũng còn gặp Lim xanh (Bù Mùn, Thanh Hóa -Trần Ngũ Phương, 1970).

–  Chế độ mưa: Lim xanh phân bố tự nhiên ở các vùng có tổng lượng mưa hàng năm 1488 -3840 mm, có 2 -3 tháng khô với độ ẩm trung bình hàng năm 80 -86%.

–   Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình năm từ 22,70C đến 24,80C, nhiệt độ tối cao 42,30C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 1,40C.

  1. Công dụng

Gỗ lim xanh, bền, chắc, được dùng trong các công trình xây dựng kiên cố. Lim xanh được trồng thành rừng lấy gỗ, trồng rừng phòng hộ, cải tạo phục hồi đất. Hàng trăm năm trước đây lim xanh đã được xem là một trong những loài gỗ quý, cứng chắc, có vân đẹp và độ bền lớn. Gỗ lim được xếp vào nhóm tứ thiết (đinh lim sến táu). Các đình chùa ở Việt Nam đều sử dụng gỗ lim để làm cột, xà gỗ có giác và lõi phân biệt, giác màu vàng nhạt, lõi màu vàng nâu đến nâu đỏ. Vòng sinh trưởng rõ ràng, rộng 3-6mm. Mạch đơn và kép ngắn phân tán, đường kính mạch rộng trung bình, số lượng mạch trên 1mm2 ít, trong mạch thường có thể nút hoặc chất chứa có màu nâu đỏ và trắng. Tia gỗ nhỏ và hẹp, thường có cấu tạo thành tầng so le. Mô mềm dính mạch hình thoi, hình cánh và hình cánh nối tiếp liên kết những mạch lân cận theo hướng tiếp tuyến hoặc lệch. Sợi gỗ có vách dày tới mức khoang của sợi rất hẹp gần như không có độ rỗng. Gỗ cứng và nặng, khối lượng thể tích gỗ khô 930kg/m3. Hệ số co rút thể tích 0,48. Điểm bão hòa thớ gỗ 20%. Giới hạn bền khi nén dọc thớ 765kg/cm2, uốn tĩnh 1710kg/cm2. Sức chống tách 19,5kg/cm. Hệ số uốn va đập 0,45. Gỗ lim xanh có đủ những tiêu chuẩn thỏa mãn với yêu cầu dùng cho kết cấu chịu lực, chủ yếu là trong xây dựng và giao thông vận tải có yêu cầu về độ bền lâu dài.