Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamus yunnanicus Hsuch et D. Z. Li – Mai dây

Dendrocalamus yunnanicus Hsuch et D. Z. Li – Mai dây

Tên khoa họcDendrocalamus yunnanicus Hsuch et D. Z. Li

Tên Việt Nam : Mai dây

Tên địa phương :

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân cao 18-25m, đường kính 11-18cm, ngọn rủ, chiều cao dưới cành 2m; Lóng dài 42-52cm, lúc non phủ lông nhung màu trắng dạng lông gai nhỏ  và phủ phấn trắng nhẹ, bề dày vách 1-2cm; dài lóng đốt 6mm, phía dưới đốt có một vòng lông nhung màu nâu; cành chính phát triển. Mo rụng sớm, bẹ mo chất da đến chất da dày, lườn dọc mặt lưng không rõ, phủ thưa lông gai nhỏ màu nâu mọc dán, đầu hẹp và lõm xuống, rộng 3,5-7cm; tai mo nhỏ, dài 5mm, rộng 1mm, trên đó có mấy chiếc lông tua dễ rụng sớm; lưỡi mo cao 5-8mm, mép xẻ răng nhỏ, phiến lật ra ngoài, dài 9-18cm, rộng 3-9cm, mặt bụng có lông gai nhỏ màu nâu vàng. Cành nhỏ có 7-10 lá; bẹ lá phủ lông gai nhỏ màu trắng sớm rụng, tai lá khuyết, lưỡi lá cao 1,5-2mm, phiến lá dài 25-35cm, rộng 4,5 – 6,5cm, mặt dưới không lông, gân cấp hai 9-11 đôi. Cành hoa có lá, chiều dài lóng 1,5-3,5cm, một phía phẳng dẹt, toàn bộ phủ dày lông mềm màu nâu xám, mỗi đốt đính 1 đến mấy bông nhỏ giả; bông nhỏ dài 1-1,6cm, rộng 5-7mm, màu nâu vàng đầu nhọn, chứa 5-7 đoá hoa nhỏ, lúc chín giữa các hoa nhỏ có thể rời thưa và tự nở ra; mày trống 2 hay nhiều hơn, dài 2-4mm, rộng 3-6mm, 12 gân, mặt lưng có lông nhỏ, đầu nhọn, mày ngoài tương tự mày trống, dài 5-9mm, rộng 5-8mm,có nhiều gân (16-20 chiếc), đầu có mũi nhọn nhỏ, chỉ dài 0,2-0,4mm; mày trong dài 4-8mm, lưng có 2 gờ, giữa các gờ có 4 hay 5 gân hay có lúc 2 gân, đầu lõm; chỉ nhị dài 1mm, bao phấn màu vàng, dài 3-4mm, đầu có mũi nhọn nhỏ màu tím; vòi dài 4mm, đầu nhuỵ 1.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên

Vùng trồng Mai dây có khi hậu nhiệt đới mưa mùa, nhiệt độ bình quân năm khoảng 22°C, lượng mưa trung bình năm 1500-2000mm, độ cao so với mặt nứơc biển thường dưới 100-500m. Địa hình là đồi thấp hoặc thung lũng chân núi đá.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Mai dây thường được trồng phân tán ở xung quanh nhà, chân đồi, trong thung long chân núi đá. Mỗi khóm thường 20 – 30 cây, cây trong khóm thường đổ ngả nên tán khóm xoè rộng, cành có đùi gà phát triển nhưng chưa được sử dụng làm giống trồng. Hàng năm măng lên từ thân ngầm trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9. Nếu măng không bị khai thác, một khóm Mai dây ổn định thường cho 10 măng nhưng nếu măng bị khai thác thì phần gốc măng còn lại phát triển nhiều cành chét và trong khóm tiếp tục ra nhiều đợt măng tiếp theo.

  1. Phân bố

Mai dây được trồng rộng khác, có nhiều ở các tỉnh vùng Trung Tâm Bắc Bộ (Phú Thọ) và Đông Bắc Bộ (Lạng Sơn)…

  1. Giá trị sử dụng.

Thân cây to, chắc nên được dùng nhiều trong xây dựng và đồ dùng trong nhà nhưng thân không thẳng, do đổ ngả nên thường dùng từng đoạn ngắn. Mai cây cũng dùng trong công nghiệp làm nguyên liệu sợi hoặc dăm. Măng Mai dây ngon, có năng suất cao, kích thước lớn và nhiều măng nên thường được trồng với mục đích lấy măng.

Măng Mai dây có thể ăn tươi hoặc làm măng khô. Dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn có nhiều kinh nghiệm muối chua (nhưng không có muối) để dùng quanh năm hoặc có thể từ năm này sang năm khác.

  1. Kỹ thuật kinh doanh.

Kỹ thuật kinh doanh Mai dây chưa được nghiên cứu. Theo kinh nghiệm của nhân dân Mai dây thường được trồng bằng gốc, ít dùng giống chét. Từ trước tới nay, khai thác Mai dây còn tuỳ tiện. Để khai thác được nhiều măng và nhiều lứa măng trong năm có gia đình đã bón thêm phân đạm.

  1. Hiện trạng sản xuất.

Trồng Mai dây có lợi nên nhiều gia đình vùng núi ( Lạng Sơn…) tự mày mò để phát triển nhưng vẫn là cây phân tán.

  1. Khuyến nghị.

Khuyến khích nhân dân vùng núi và trung du trồng Mai dây trong các hộ gia đình để lấy cây và măng.

Cần có thử nghiệm tạo giống cành để tăng nguồn giống.

Cây Mai dây cần được nghiên cứu kỹ hơn.