Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamus sinicus Chia et J. L. Sun in Bamb. Res. – Bương lớn

Dendrocalamus sinicus Chia et J. L. Sun in Bamb. Res. – Bương lớn

Tên khoa họcDendrocalamus sinicus Chia et J. L. Sun in Bamb. Res.

Tên Việt nam: Bương lớn

Tên địa phương:

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân cao 20-30m, đường kính 20-30cm, ngọn rủ xuống, một số đốt ở gốc thường có vòng rễ khí; lóng hình ống tròn, một số lóng ở gốc co ngắn làm cho đốt phía dưới gần nhau và xiên tạo thành hình dị dạng. Lóng bình thường phần dưới thân dài 17-22cm,lúc non phủ dày phấn trắng; lóng đốt có một dải lông tơ màu nâu và rộng khoảng 3-4mm; chiều cao dưới cành 3-5m, cành chính thường không phát triển. Mo thân ở các đốt chưa phân cành rụng muộn hay tồn tại; bẹ mo chất da dày, lúc đầu màu lục vàng, dài hơn lóng, mặt lưng có lông mềm thưa, mặt bụng phủ lông gai nhỏ giữa các gân. Cành nhỏ có khoảng 8 lá; bẹ lá lúc non phủ nhung lông, về sau không lông; tai lá khuyết, lưỡi lá cao 1,5-2mm; phiến lá dài 20-40cm, rộng 4-6,5cm, hai mặt đều phủ lông mềm thưa hay gần như không lông, gân cấp hai 10-13 đôi. Cành hoa không lá hay có lúc có lá, dạng cụm hoa chuỳ tròn cỡ lớn, mỗi đốt cành hoa đính 1 đến mấy chiếc bông nhỏ giả, chiều dài lòng cành 2-4cm, phủ lông nhung,; bông nhỏ hơi dẹt, dài 3-3,5cm, rộng 6,5-7,5mm, đầu nhọn, chứa 5 hay 6 đoá hoa nhỏ, hoa nhỏ trên tận cùng chỉ có trấu ngoài; mày trống 2 chiếc, dài 1,2-1,5cm, mặt lưng phủ lông nhỏ, nhiều gân, đầu có mũi nhọn nhỏ; trấu ngoài và mày trống giống nhau, dài 1,7-2,5 cm, trấu trong lưng có hai gờ, giữa các gờ có 5 gân, đầu xẻ 2, chỉ nhị dài 1,5-3cm, tách rời nhau hay gốc có lúc liền kề mà thành ống chỉ nhị dễ tách rời, bao phấn dài 8-12mm; vòi rất dài, đầu nhuỵ 1.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1 Điều kiện tự nhiên

Cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa. Mùa nắng nóng, mưa nhiều từ tháng 4 -5 đến tháng 10 -11, lượng mưa chiếm tới 70% lượng mưa cả năm. Mùa lạnh mưa ít từ tháng 10-11 đến tháng 4-5 năm sau. Địa hình thường là đồi thấp, có độ dốc vừa phải, cao dưới 800m so với mặt nước biển. Cũng có khi được trồng ở chân núi đá vôi.

2.2 Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Bương thường được trồng phân tán từng khóm hoặc tập trung diện tích nhỏ ở vườn rừng, ven rừng thứ sinh, mỗi khóm thường khoảng 50 cây. Chưa gặp Bương trồng trên diện tích lớn. Cho đến nay sinh sản của Bương vẫn là măng lên hàng năm từ gốc cây mẹ. Mùa măng từ tháng 5 đến tháng 8. Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng, phát triển của măng.

  1. Vùng phân bố

Bương lớn thường được trồng ở tỉnh Sơn La, Điện Biên.

  1. Giá trị sử dụng

Thân Bương lớn to, dài, chắc, bền nên thường được dùng làm cột buồm, làm nhà. Dân tộc vùng cao dùng Bương làm máng dẫn nước. Bương làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy, chế biến thay thế cho gỗ có hiệu quả cao. Măng Bương to, ăn ngon, ăn tươi hoặc phơi khô, cũng có thể đóng hộp.

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Chưa có công trình nghiên cứu nào cho Bương lớn. Theo kinh nghiệm của nhân dân thì Bương được trồng bằng lớn gốc có một đoạn thân khí sinh 1 tuổi; Khai thác tuỳ ý khi có nhu cầu.

  1. Hiện trạng sản xuất

Bương lớn được trồng theo sở thích của các hộ dân, chưa thành phong trào trồng rộng khắp. Bương trong rừng tự nhiên bị khai thác tuỳ tiện: Chặt cây, lấy măng không có quản lý nên Bương tự nhiên ngày càng cạn kiệt.

  1. Khuyến nghị

Bương lớn là loại tre to có thể đáp ứng nhiều yêu cầu sử dụng. Cần được khuyến khích gây trồng, phát triển. Bương lớn tự nhiên cần được quản lý chặt chẽ để đảm bảo tái sinh và yêu cầu khai thác…….