Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamus minor (Mrclure) Chia et H. L. Fung – Tre mỡ lạng sơn

Dendrocalamus minor (Mrclure) Chia et H. L. Fung – Tre mỡ lạng sơn

Tên khoa học: Dendrocalamus minor (Mrclure) Chia et H. L. Fung

Tên Việt Nam: Tre mỡ lạng sơn

Tên địa phương : Tre mỡ nhỏ, Mạy tì, Mạy vì, Mạy nhùng

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân gần đứng thẳng, chiều cao 6-12m, đường kính (3-) 6-8cm, ngọn cong hình cung hay rủ xuống; lóng hình ống tròn, dài 30-45cm, không lông lúc non phủ dày phấn trắng, nhất là phần che của bẹ mo; bề dày vách thân 5-5,6mm; vòng thân phẳng, vòng mo hơi nổi nên, gần gốc bẹ mo thường để sót lại; tập tính chia cành cao, nhiều cành, mọc cụm ở các đốt, cành chính không rõ lắm. Bẹ mo sớm rụng, chất da, lúc non màu lục cỏ, hình lưỡi xẻng, mặt lưng phủ lông gai nhỏ màu nâu mọc dán, nhất là phần gốc; tai mo rất nhỏ dài 3mm, rộng 1mm, dễ rụng; lưỡi mo cao 3-8mm, mép phủ lông dạng tua nhỏ, trong đó nhung lông hai bên khá dài (6-8mm); phiến mo lật ra ngoài, hình lưỡi mác dạng trứng hay hình lưỡi mác, dài 6-10cm, mặt lưng không lông, gốc mặt bụng và mép đều có lông gai nhỏ. Cành cấp cuối thường đơn độc, vòng cành nổi lên rõ, lóng không lông, có ánh bóng, đầu cành mang 3-8 lá; bẹ lá lúc đầu có lông gai thưa, nhỏ, về sau không lông; tai lá và lông tua miệng bẹ đều khuyết; lưỡi lá cao 1mm, mép trên có xẻ răng nhỏ; phiến lá hình lưỡi mác dài, thường dài 10-25cm, rộng 1,5-3cm ( nhưng to nhất có thể tới 35cm, rộng 7cm), gốc tròn, đàu nhọn dài nhỏ, hai mặt đều không lông, mặt dưới gần như có phấn trắng, màu lục xám, gân cấp hai 8-12 đôi, gân ngang nhỏ có thể thấy rõ mặt dưới phiến lá. Cành hoa dài nhỏ, không lá, chiều dài lóng 2-3,5cm, một phía hơi dẹt hay có máng rãnh dọc rộng, phủ lông mềm màu rỉ sắt, dày đặc nhất phía phẳng dẹt hay máng rãnh, mỗi đốt đính 5-10 bông nhỏ giả, bông nhỏ dẹt, hình tròn dài dạng trứng, dài khoảng 1,2cm, rộng 4-7mm, lúc tươi màu tím, sau khi khô trở thành màu vàng nâu, chứa 4 hay 5 hoa nhỏ, đầu mở; mày trống thường 2 chiếc, hình trứng rộng, dài 6mm, rộng 4mm, không lông hay gần như không lông, mép có lông mảnh; mày ngoài chất giấy hay hơi hoá cứng, hình trứng rộng hay hình tim, dài 9-11mm, rộng 5-6mm, gần không lông (hoa nhỏ phần trên mọc thưa lông nhỏ), đầu nhọn, có mũi nhọn nhỏ và nhiều gân dọc không rõ, mép có lông mảnh; mày trong chất mỏng, hình lưỡi mác hẹp, dài 6-8mm, rộng 2mm, lưng mọc thưa lông nhỏ, mép và trên 2 gờ đều có lông mảnh, giữa gờ có 3 gân không rõ, đầu nhọn; bao phấn mầu vàng, dài 5-6mm, trung đới thò lên trên thành mũi nhọn nhỏ không lông, lúc nhỏ hoa chín, cả bao phấn có thể thò ra ngoài hoa; nhuỵ, trừ gốc ra, toàn bộ có lông nhung nhỏ, bầu hình trứng, vòi dài nhỏ, đàu nhuỵ 1, thường cong cuộn, có nhung lông dạng bàn chải. Quả hình trứng dạng tròn dài, dài khoảng 5mm, đường kính 3,5mm, đầu có mỏ trên đó còn mọc lông gai nhỏ, phần còn lại không lông; vỏ quả không lông, phần nửa trên chất khá cứng, màu khá nhạt và có ánh bóng, phần nửa dưới chất mỏng và có ánh bóng, u tối và có rãnh bụng.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên

Cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa, địa hình đồi núi thấp. Độ cao so với mặt biển 100-500m.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Tre Mỡ lạng sơn thường được trồng phân tán từng khóm hoặc từng cụm vài ba khóm ở chân đồi, xung quanh vườn. Mùa măng từ tháng 8 đến tháng 10. Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng và phát triển của măng. Mới thu được hoa, không rõ quả và hạt như thế nào.

  1. Phân bố

Thường được trồng ở vùng Trung tâm Bắc bộ và Trung bộ – Gặp nhiều ở Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên.

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Trong dân thường trồng bằng giống gốc.

  1. Giá trị sử dụng

Thân tre dầy, cứng nhưng ít dùng làm nhà. Có thể dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy, ván ép …

  1. Hiện trạng sản xuất

Người ta thích trồng tre Mỡ lạng sơn để lấy măng, nhưng hiện nay trồng chưa nhiều. Kỹ thuật trồng, khai thác cũng rất tuỳ tiện.

  1. Khuyến nghị

Cần được nghiên cứu và khuyến khích phát triển.