Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamus membranaceus Munro – Mạy sang

Dendrocalamus membranaceus Munro – Mạy sang

Tên Khoa học : Dendrocalamus membranaceus  Munro

Tên Việt Nam: Mạy sang

Tên địa phương: Mạy sang nam

  1. Đặc điểm nhận biết

                Thân cao 8-15m, đường kính 7-10cm, ngọn hơi cong. Đốt thứ nhất đến đốt thứ 3 của thân có vòng rễ khí sinh; Lóng dài 34-42cm, lúc non phủ phấn trắng; vòng thân phẳng; vòng mo nổi lên mạnh; chiều dài đốt 8mm; cành chính 3 chiếc, cành còn lại tương đối nhỏ, những cành phía trên của thân có thể rủ xuống. Bẹ mo sớm rụng chất giấy dày đến chất da, thường dài hơn lóng nó đính (Sang sọc D. m. f. striatus và Xang tua D. m. f. fimbriligulatus mo thân có thể ngắn hơn lóng), mặt lưng có phấn trắng và có lông gai nhỏ màu nâu đen dễ rụng; chiều dài tai mo 5mm, rộng 1mm, có mấy chiếc lông tua dài 0,5-1cm; lưỡi mo cao 0,8-1cm, mặt bụng nhiều lông nhung, mép có răng cưa thô; phiến mo lật ra ngoài, hình dải hẹp, dài 30-40cm, rộng khoảng 2,5cm, chiếm 1/2 – 1/3 miệng bẹ bằng mo, hai mặt đều phủ lông cứng nhỏ màu nâu, nhiều nhất là gốc mặt bụng. Cành nhỏ có 3-6 lá, bẹ lá có gờ dọc, tai lá hình liềm, có mấy chiếc lông tua màu tím ; lưỡi lá không rõ chỉ cao 1mm, mặt bụng có lông, đầu xẻ nông dạng sóng; phiến lá hình lưỡi mác, chất mỏng, dài 12,5-25cm, rộng 1,2-2cm, gốc hình nêm rộng đến hình tròn, đầu hẹp dần, cuối cùng vặn và có mũi nhọn dài ráp, hai mặt đều có lông mềm, mép lá có răng cưa nhỏ hướng xuống, ráp, gân cấp hai 4-7 đôi. Cụm hoa dạng chuỳ tròn, chiều dài lóng 2,5-5cm, không lông hay phần trên thường có phấn trắng, trên đốt mọc cụm dày đặc nhiều bông nhỏ giả, hình thành cục cụm hình cầu, đường kính 2,5-5cm; bông nhỏ hơi dẹt, gần không lông và có ánh bóng, dài1-1,3cm, rộng 2,5-3mm, lúc đầu màu lục vàng, sau khi khô màu cỏ khô, chất tương đối mềm, chứa 2-5 hoa nhỏ thành thục; mày trống 2 chiếc, hình trứng, đầu tròn tù hay sắc nhọn; mày ngoài giống mày trống, tương đối to, dài 8-9mm, rộng 5-8mm, chất mỏng, gần chất màng, không lông thường chỉ mép có lông mảnh, đầu có mũi nhỏ dạng gai dằm ngắn, dài khoảng 1mm; mày trong chất màng, dài 7-8mm, rộng 1,4mm, mặt lưng những hoa nhỏ phần dưới có 2 gờ, gờ có lông mảnh, giữa các gờ có 3 gân, đầu tù hay lõm xuống, mày trong hoa nhỏ của phần trên cùng cuộn tròn và không có 2 gờ, hay cũng có 2 gờ nhưng gờ không lông; nhị sau khi thành thục thò ra ngoài hoa, chỉ nhị nhỏ dài; bao phấn màu vàng đến màu tím, dài 4mm, đầu có mũi nhọn nhỏ ngắn; bầu hình trứng, khá dài nhỏ, phần trên có lông, phần dưới không lông; vòi dài 5-6mm; toàn bộ phủ lông nhỏ, đầu nhuỵ 1, màu tím, dạng lông. Quả hình trứng rộng, gốc tròn, dài 5-7,5mm, một phía có màng rãnh hay hơi dẹt, đầu có mỏ dài, phôi rõ.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

3.1. Điều kiện tự nhiên:

Mạy sang phân bố ở vùng có khí hậu nóng và hơi khô; nhiệt độ trung bình năm 20 – 22°C, lượng mưa trung bình 1.000 – 1.500mm, chia làm hai mùa. Sau khi hạt nẩy mầm, 3 – 4 năm đầu măng lên nhiều lần trong năm nhất là trong mùa mưa; từ năm thứ 4 – 5 trở đi, sau khi rừng ổn định mới sinh măng theo mùa từ trung tuần thàng 6 đến đầu tháng 8. Thời gian để măng sinh trưởng từ lúc nhú khỏi mặt đất đến lúc định hình (ra đuôi én) khoảng 50 – 70 ngày. Mùa khô lạnh (tháng 10 – 11) Mạy Sang rụng lá đến mùa mưa ấm áp (tháng 3 – 4) lá non phát triển.

  1. Phân bố

Mạy sang phân bố tự nhiên ở vùng Tây Bắc – có nhiều ở Sơn La. Khi rừng Mạy sang khuy (Thập kỷ 60 thế kỷ trước) có một số địa phương lấy hạt về trồng, nhưng không ai theo dõi. Hiện nay vùng Cầu Hai – Phú Thọ còn lại một số khóm trong dân.

  1. Giá trị sử dụng

Mạy sang được dùng làm vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy sợi và chế biến hàng xuất khẩu.

Măng có thể được ăn được.

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Gây trồng: Mạy sang là loài cây trồng rừng chính ở Sơn La. Giống trồng có thể từ hạt hoặc gốc. Khi Mạy sang có hạt người ta mang về gieo ươm trong vườn rồi mới mang đi trồng. Cũng có vào rừng đào những cây tre tái sinh từ hạt để trồng. Thường thì giống gốc được lấy từ các cây non (1 tuổi). Phương thức và kỹ thuật trồng Mạy sang chưa được nghiên cứu và tổng kết

– Khai thác: Vẫn theo nguyên tắc chung là chặt chọn từng cây theo tuổi trong khóm. Phương thức và kỹ thuật khai thác Mạy sang vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

  1. Hiện trạng sản xuất

Trước đây Mạy sang vẫn được coi là cây rừng tự nhiên có gây trồng thì cũng ít được chú ý. Gần đây cũng do nhu cầu cung cấp nguyên liệu và trồng rừng phòng hộ nên Mạy sang được chú ý hơn

Tuy thành phần cây trồng rừng vùng Tây Bắc được ghi chung là tre nhưng có lẽ vùng Sơn La trồng Mạy sang là chủ yếu.

  1. Khuyến nghị

Mạy sang là 1 trong những cây trồng rừng chủ yếu của  Sơn La – Tây Bắc. Để chỉ đạo công tác kinh doanh rừng Mạy sang phải có cơ sở khoa học; trước mắt có thể tổng kết những kinh nghiệm đã có sau đó đầu tư nghiên cứu những vấn đề còn tồn tại.