Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamus latiflorus McClure – Tre tàu

Dendrocalamus latiflorus McClure – Tre tàu

Tên khoa học: Dendrocalamus  latiflorus McClure

Tên Việt Nam: Tre tàu

Tên địa phương: Tre xanh, Mai xanh

  1. Đặc điểm nhận biết:

Thân cao 20-25m, đường kính 15-30cm, ngọn rủ hay cong hình cung; Lóng dài 45-60cm, lúc non phủ phấn trắng, nhưng không lông, chỉ ở lóng đốt có một vòng lông nhung màu nâu; bề dày vách thân 1-3cm; Phân cành cao, mỗi đốt có nhiều cành, cành chính thường chỉ một. Mo thân rụng sớm, chất da, dày, hình lưỡi xẻng tròn rộng, mặt lưng phủ lông gai nhỏ, nhưng dễ rụng trở nên không lông, phần miệng bẹ ở đỉnh rất hẹp (rộng khoảng 3cm); tai mo nhỏ, dài 5mm, rộng 1mm, lưỡi mo chỉ cao 1-3mm, mép xẻ răng nhỏ; phiến mo lật ra ngoài, hình trứng đến lưỡi mác, dài 6-15cm, rộng 3-5cm, mặt bụng phủ lông gai nhỏ, màu nâu nhạt. Cành nhỏ mang 7-13 lá, bẹ lá dài 19cm, lúc non phủ lông gai màu nâu vàng, sau trở nên nhẵn; tai lá không, lưỡi lá nổi lên, cao 1-2mm, cắt ngang, mép xẻ răng nhỏ; phiến lá hình lưỡi mác dạng elíp dài, dài 15-35 (-50)cm, rộng 2,5-7 (-13)cm, gốc tròn, đầu  nhọn dần mà thành mũi nhọn nhỏ, mặt trên không lông, mặt dưới gân giữa nổi lên mạnh và có răng cưa nhỏ, lúc non trên gân cấp hai còn có lông nhung nhỏ, gân cấp hai 7-15 đôi, gân ngang nhỏ cũng rõ; cuống lá không lông, dài 5-8mm. Cụm hoa cỡ lớn, không lá hay phía trên có lá, lóng của nhánh cứng chắc, phủ dày lông mềm nhỏ, màu nâu vàng, trên mỗi đốt đính 1-7 bông nhỏ giả hay nhiều hơn, hình thành trạng thái nửa mọc vòng; bông nhỏ hình trứng, rất dẹt, dài 1,2-1,5cm, rộng 7-13mm, lúc chín màu tím đỏ hay tím tối, đỉnh tù, chứa 6-8 hoa nhỏ, hoa nhỏ đỉnh thường khá to, lúc chín hoa nhỏ có thể mở rộng; mày trống 2 chiếc đến nhiều, hình trứng rộng đến hình elíp rộng, dài khoảng 5mm, rộng 4mm, phần trên của hai mặt đều có lông nhỏ, mép có lông mảnh; mày ngoài giống mày trống, màu lục vàng, nửa trên của mép màu tím, dài 12-13mm, rộng 7-16mm, có nhiều gân (29-33 chiếc), gân ngang nhỏ rõ; mày trong hình lưỡi mác dạng tròn dài, dài 7-11mm, rộng 3-4mm, phần nửa trên màu tím nhạt, 2 hay 3 gân giữa các gờ, ngoài 2 gờ đến mép mỗi bên có 2 gân, trên gờ và mép đều mọc dày lông mảnh dài nhỏ; bầu hình cầu dẹt hay hình trứng rộng, phần nửa trên mọc rải rác lông nhỏ màu trắng, phần nửa dưới không lông, có cuống bầu, có rãnh bụng, dài khoảng 7mm, vòi phủ dày lông nhỏ màu trắng, đầu nhuỵ 1, không có ranh giới rõ rệt với vòi, đôi khi đầu nhuỵ 2 chiếc.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học.

2.1. Điều kiện tự nhiên:

Vùng trồng Tre tàu có khí hậu nhiệt đới mưa mùa; nhiệt độ bình quân năm 26 °C; lượng mưa trên 1.500mm; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 độ cao so với mặt biển thường dưới 400m. Địa hình đồi núi thấp, đất cát đến cát pha.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản,sinh trưởng và phát triển

Tre tàu được trồng phân tán trong các hộ gia đình. Gần đây, với mục đích kinh doanh lấy măng có nơi đã trồng liền khu liền khoảnh nhiều ha.

Hàng năm tre tàu mọc măng từ thân ngầm; mùa măng từ tháng 4 đến tháng 10. Từ khi măng lên khỏi mặt đất đến lúc định hình cần khoảng 100 ngày. Một khóm Tre tàu ổn định thường có khoảng trên 50 cây. Tuổi thọ của thân khí sinh Tre tàu không quá 8-10 năm.

  1. Phân bố:

Tre tàu được trồng phân tán ở vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; hiện nay được trồng nhiều và trồng tập trung ở Bình Phước, Đồng Nai. TPHCM…

  1. Giá trị sử dung:

Nhân dân vùng Đông Nam Bộ thích trồng Tre tàu vì nó mang lại hiệu quả kinh tế rất nhanh. Thân tre dùng làm các đồ gia dụng và vật liệu xây dựng  rất phổ biến khi làm nhà tạm thời. Thân tre là nguyên liệu làm ván ép, các mặt hàng xuất khẩu như đũa, chiếu. Lá Tre tàu cũng được thu mua để xuất khẩu. Đặc biệt là măng Tre tàu được sử dụng ở dạng thực phẩm tươi sống, qua chế biến đóng hộp, ăn tươi hoặc phơi khô. Măng  Tre tàu được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu. ở  miền Nam có nhiều công ty đã đầu tư trồng Tre tàu để lấy măng.

  1. Kỹ thuật kinh doanh.

Gây trồng: Giống trồng có thể là gốc, chét, hom thân, hom cành. Trước đây thường dùng giống gốc, nhưng với nhu cầu trồng nhanh, nhiều thì không thể đáp ứng. Từ 1997, Phùng Thị Cẩm Thạch ở Phân Viện Khoa học Nam Bộ có tiến hành nghiên cứu nhân giống Tre tàu băng kỹ thuật mô-hom đã đạt đã đạt kết quả với cành của cây bánh tẻ được chiết trên thân hoặc cắt xuống có sử lý chất kích thích trứơc khi ươm.

Khai thác: Kỳ thuật khai thác Tre tàu chưa được nghiên cứu mà chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm.

6 Hiện trạng sản xuất:

Tre tàu trồng phân tán trong các hộ gia đình với mục đích lấy thân tre hoặc măng là tập quán từ lâu đời. Tuy vậy việc khai thác rất tuỳ tiện.

Tre tàu trồng tập trung của các doanh nghiệp với mục đích lấy măng nên quy trình có chặt chẽ hơn. Công ty chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu TPHCM cũng đã có “kỹ thuật trồng Tre tàu lấy măng để hướng dẫn”. Kinh doanh Tre tàu lấy măng đã và  đang là cuộc chạy đua của nhiều doanh nghệp.

7 Khuyến nghị:

Nhà nước cần có quy hoạch và khuyến khích nhân dân trong vùng cùng với các doanh nghiệp trồng Tre tàu để đáp ứng nhu cầu gia dụng, và tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu phát triển Tre tàu.

Loài này được giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật trong tài liệu ngày 2 tháng 7 năm1999 của Tổng Công Ty Rau Quả Việt Nam dùng cho lớp tập huấn trồng tre lấy măng tổ chức tại Lạng Sơn. Sau đó, Nguyễn Viết Khoa có giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật trong thông tin khuyến nông Việt Nam số 4 năm 1999, Nguyễn Đức Thanh cũng có tài liệu “giới thiệu giống mới Tre Bát độ lấy măng”

Theo giải thích trong tài liệu đã dẫn ở trên thì Bát Độ là tên của người Trung Quốc đã lấy giống tre này về trồng để lấy măng tiến Vua.