Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamus giganteus Munro – Mai ống

Dendrocalamus giganteus Munro – Mai ống

Tên khoa học: Dendrocalamus giganteus Munro

Tên Việt Nam: Mai ống

Tên địa phương: Bương, Mạy Puốc, Mạy Mươi, Mạy Mười, Lùng Chủ.

  1. Đặc điểm nhận biết:

Thân cao 20-30m, đường kính 20-30cm, thẳng, ngọn rủ, đốt không nổi lên, chiều dài lóng 30-45cm, bề dày vách thân 1-3cm, lúc non trên mặt có phủ lớp sáp trắng. Cây phân cành cao, mỗi đốt nhiều cành, cành chính thường không phát triển. Mo thân rụng sớm, bẹ mo to, chất da dày, lúc tươi màu tím, mép nguyên, mặt lưng có lông gai màu nâu tối; tai mo liền với gốc phiến mo, xệ xuống, ít nhiều lật ra ngoài, về sau dễ rụng; lưỡi mo rõ, cao 6-12mm, đầu xẻ, dạng răng ngắn; phiến mo lật ra ngoài, hình lưỡi mác dạng trứng, dài 13-38cm, gốc bằng khoảng 4/5 đỉnh bẹ mo. Cành nhỏ cấp cuối có 5-15 lá, bẹ lá không lông, không có tai lá, lưỡi lá nổi lên, cao 1-3mm, mép xẻ răng không đều; phiến lá hình lưỡi mác dạng tròn dài và biến đổi nhiều về kích thước. Lá dài nhất có thể tới 45cm, rộng 10cm, đầu có mũi nhọn, gốc hình nêm, lúc non mặt dưới có lông nhỏ, gân cấp hai 8-18 đôi, gân ngang nhỏ, rõ, mép lá có răng cưa nhỏ, rất ráp; cuống lá dài 5-10mm. Cành hoa không lá, dạng chuỳ tròn cỡ lớn, mỗi đốt có 4-12 (-25) bông nhỏ giả mọc cụm, chiều dài lóng cành hoa cấp cuối 1,2-1,5cm, phía dưới đốt phủ phấn trắng, tất cả còn lại có lông mềm màu rỉ sắt; bông nhỏ dài 1-1,5cm, rộng 3-4mm, lúc khô có màu tím, đầu có mũi nhọn, gốc có 1-2 chiếc phiến lá bắc, có chồi nách hay chiếc phía trên không có chồi, bông nhỏ chứa 5-8 hoa nhỏ, mỗi chiếc hoa nhỏ trên cùng bất thụ, sau khi chín giữa các hoa nhỏ không cách rời nhau; mày trống 2 chiếc, dài 3-4mm; mày ngoài hình trứng rộng, dài khoảng 1cm, bề rộng lớn hơn chiều dài (1cm), có nhiều gân (khoảng 25 chiếc), mặt lưng và mép đều hơi có lông nhỏ, đầu có mũi nhọn nhỏ; mày trong dài bằng mày ngoài, lưng có 2 gờ, cự ly giữa 2 gờ 2,5mm, trên gờ mọc dày lông mảnh, đầu tù hay hơi lõm (hoa nhỏ trên tận cùng không gờ, không lông); mày cực nhỏ không, chỉ nhị dài khoảng 1cm, bao phấn dài 6,5mm, đầu có trung đới thò ra, có mũi nhọn; nhuỵ dài 1cm, toàn bộ phủ lông mềm ngắn, bầu hình trứng, vòi rất dài, đầu nhuỵ 1, cong, màu tím.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên

Vùng trồng Mai ống có khi hậu nhiệt đới mưa mùa nhiệt độ bình quân năm 22,9°C, lượng mưa trung bình năm 1592mm, độ cao so với mặt biển thường dưới 100m – 800 m. Địa hình là đồi thấp.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Mai ống thường được trồng phân tán ở xung quanh nhà, chân đồi. Mỗi khóm thường dưới 50 cây. Hàng năm măng mọc từ thân ngầm khoảng từ tháng 6 đến tháng 8. Mai ống ra hoa từng cây trong khóm hoặc từng khóm nhưng chưa thu được hạt và cũng chưa rõ chu kỳ ra hoa. Theo người dân cho biết sau khi ra hoa cả cây (hoặc cả khóm) đều chết, sau đó thân ngầm lại cho một thế hệ  măng khác.

  1. Phân bố

Mai ống được trồng rộng khắp ở nhiều tỉnh vùng Trung Tâm và Đông Bắc Bộ.

  1. Giá trị sử dụng.

Thân cây to, chắc nên được dùng nhiều trong xây dựng (làm cột nhà, rui mè…) làm cột điện … Đồng bào dân tộc thường dùng làm ống đựng hoặc dẫn nước. Có thể dùng Mai ống làm nguyên liệu giấy. Măng Mai ống ngon, có năng suất cao, kích thước to và nhiều măng nên nhiều nhà trồng Mai ống với mục đích lấy măng.

  1. Kỹ thuật kinh doanh.

Kỹ thuật kinh doanh Mai ống chưa được nghiên cứu. Theo kinh nghiệm của nhân dân, thường trồng bằng giống gốc, giống chét nhưng giống gốc được sử dụng nhiều hơn. Từ trước tới nay, khai thác Mai ống còn tuỳ tiện, cần lúc nào chặt lúc đó, cần nhiều chặt nhiều, cần ít chặt một vài cây.

  1. Hiện trạng sản xuất.

Nhân dân vùng Trung du có tập quán trồng Mai ống từ lâu đời. Trong phong trào xây dựng rừng vườn của kinh tế trang trại một số nơi vận động nhân dân trồng Mai ống (Sơn Động – Bắc Giang…) nhưng khó khăn về giống nên dừng lại ở “ý muốn”.

  1. Khuyến nghị.

Nên khuyến khích nhân dân vùng núi và trung du trồng Mai ống trong các hộ gia đình để lấy cây và măng. Ngoài giống gốc từ trước tới nay vẫn dùng có thể dùng thêm giống chét.

Cần có một thử nghiệm nhỏ tạo giống cành. Theo quan sát của chúng tôi thì Mai ống có thể trồng được bằng giống cành vì đùi gà cành chính có nhiều rễ.

Cây Mai ống cần được nghiên cứu kỹ hơn.