Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamus barbatus Hsuch et D. Z. Li – Luồng

Dendrocalamus barbatus Hsuch et D. Z. Li – Luồng

Tên khoa học: Dendrocalamus barbatus Hsuch et D. Z. Li

Tên Việt nam: Luồng

Tên địa phương: Luồng Thanh Hoá, Mạy sang, Mạy sang núi, Mạy sang num, Mạy mèn

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân cao 15-18m, đường kính 10-15cm, ngọn cong hay hơi rủ, một số đốt gốc có vòng rễ khí sinh; lóng màu lục xẫm, chiều dài lóng 26-32cm, phần phẳng dẹt một phía không lông, phần trên có ít phấn trắng, bề dày vách thân 2-2,5cm; vòng thân không nổi lên, chiều dài đốt 1,5cm, ở đốt và phía dưới vòng mo đều có một vòng lông nhung màu trắng. Chiều cao dưới cành 0,5-1m. Mỗi đốt thân có nhiều cành, cành chính 3 chiếc, trong đó một chiếc to khoẻ hơn rõ rệt, hay có lúc cành chính không phát triển mà có một chồi ngủ cỡ lớn, cành bên khá nhỏ, rủ xuống. Bẹ mo rụng sớm, chất da, lúc đầu màu nâu vàng, lưng phủ phấn trắng và có lông gai nhỏ màu nâu; tai mo liền với phần kéo dài ra ngoài của gốc phiến mo, dạng sóng, dài 5-15mm, rộng 2-3mm, phủ dày lông tua dạng lông bờm lợn dài 1cm; lưỡi mo cao 5-8mm, đầu xẻ răng không đều; phiến mo lật ra ngoài, gốc mặt bụng cũng phủ dày lông thẳng cứng dạng lông bờm lợn, phần còn lại phủ lông gai nhỏ. Cành nhỏ cấp cuối có 8-15 lá; bẹ lá phủ lông nhỏ; tai lá nhỏ, dễ rụng, có mấy chiếc lông tua; lưỡi lá cao 1mm; chiều dài phiến lá  10-15cm, rộng 1-2cm, gân cấp hai 5 hay 6 đôi. Cụm hoa không mạng lá, chiều dài lóng 1,5-1,8cm, phẳng dẹt một bên hay có máng rãnh, phủ dày lông nhung màu nâu vàng, mỗi đốt đính 10-25 bông nhỏ giả, đường kính cục cụm 1-2,2cm; bông nhỏ hình trứng ngược, dài 6-8,5mm, rộng 2-4mm, màu lục vàng, gần không lông, chứa hai hoa nhỏ; mày trống 2 hay 3 chiếc; chiều dài mày ngoài 6-7mm, rộng 4-5mm, đầu có mũi nhọn nhỏ dạng gai dằm dài 0,8-1mm; chiều dài trấu trong 5-6mm, khoảng cách giữa hai gờ 1mm, có 3 gân; chiều dài chỉ nhị 6mm, bao phấn màu vàng hay sau khi khô mang màu tím, dài 6mm, đầu có mũi nhọn; chiều dài toàn nhuỵ 6-7,5mm, phần trên của bầu cùng với vòi và đầu nhuỵ đều phủ lông dạng lông.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên

Vùng phân bố chính của Luồng có khí hậu nóng, ẩm, một năm có hai mùa: mùa nắng nóng, mưa nhiều, thường từ tháng 4-5 đến tháng 10-11 lượng mưa chiếm tới 70 – 80% lượng mưa cả năm; mùa lạnh, mưa ít, thường từ tháng 11-12 đến tháng 3-4 năm sau lượng mưa chỉ có khoảng 20-30% lượng mưa cả năm. Nhiệt độ bình quân năm khoảng 23-24 0C, nhiệt độ tối đa có khi lên đến 420C. Độ ẩm không khí 87%. Lượng mưa 1600-2000mm/năm. Lượng bốc hơi hàng năm khoảng 677mm.

Địa hình vùng đồi, có độ dốc vừa phải (dưới 300) cao dưới 800m so với mặt biển; nơi đất bằng, chân đồi hoặc sườn thoải thì Luồng sinh trưởng tốt hơn.

Đất feralit phát triển trên đá Poocphia, đá vôi, phiến thạch, phyllit hoặc phù sa cổ, có độ sâu 50 – 150 cm hoặc hơn; thành phần cơ giới thường là sét pha nặng đến sét trung bình; độ ẩm 80-90%; mầu đất thường là vàng hoặc vàng đỏ; pH (H2O) = 4,6-7; hàm lượng P2O5 và K2O dễ tiêu thường nghèo; hàm lượng chất hữu cơ trong đất thấp.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Chưa gặp rừng Luồng tự nhiên. Trong thực tế có thể gặp Luồng trồng xen từng đám trong rừng thứ sinh hoặc rừng Luồng thuần loại hoặc có xen cây gỗ tập trung thành rừng trên diện tích lớn và cũng được trồng phân tán một số khóm xung quanh nhà.

Những năm mới trồng, khi rừng chưa khép tán có thể trồng xen cây nông nghiệp như lạc, đỗ, ngô, sắn. . . Dưới rừng Luồng cây gỗ tái sinh tự nhiên tương đối nhiều như: Lim xanh (Erythropholeum fordii), Sòi tía (Sapium discolor), Mán đỉa (Archidendron clypearia), Hu đay lá hẹp (Trema angustifolia), nhưng tồn tại lâu dài với Luồng chỉ có Lim xanh.

Mới gặp Luồng ra hoa từng khóm rồi chết và cũng chưa tìm được hạt Luồng; vì vậy khả năng phát triển rừng Luồng từ hạt là chưa có.

Thân ngầm, thân khí sinh, chét và cành là phương thức sinh sản vô tính của Luồng. Cây măng sau khi đã định hình, ra cành lá đầy đủ thì những mầm ở gốc bắt đầu phát triển để cho thế hệ măng tiếp theo. Sinh trưởng của măng có thể chia thành 3 thời kỳ chính:

– Thời kỳ 1: Măng phát triển ngầm trong đất, khoảng từ tháng 9-10 năm trước đến tháng 4-5 năm sau.

– Thời kỳ 2: Măng lên khỏi mặt đất và phát triển nhanh về chiều cao, khoảng từ tháng 4-5 đến tháng 7-8 gọi là mùa ra măng.

– Thời kỳ 3: Cây măng phát triển hoàn chỉnh cành lá và rễ, khoảng từ tháng 7-8 đến tháng 10-11; Sau giai đoạn này cây măng có thể sống độc lập. Vì vậy giống trồng lấy từ cây tuổi 1 là tốt nhất.

Luồng 1-2 năm tuổi – thân non mầu xanh nhạt, bóng, có ít phấn trắng, các đốt có vòng lông trắng mịn, thịt trắng. Luồng 3-4 năm tuổi là cây vừa, mầu xanh sẫm; cây Luồng 5 tuổi trở lên là cây già và là đối tượng khai thác, cây càng già mầu mặt lóng càng xám lại và xuất hiện nhiều rêu mốc, thịt hồng đỏ, rõ bó mạch. Tuổi thọ của Luồng khoảng 8-10 năm.

Quan hệ giữa cây trong khóm vừa là cung cấp chất dinh dưỡng vừa làm chỗ dựa cho nhau. Sau khi trồng 5-6 năm rừng Luồng đã có thể đưa vào khai thác. Một khóm Luồng chuẩn có khoảng 20-40 cây (15-20 cây trong một khóm sau khai thác, 30-40 cây trong một khóm khi đến chu kỳ khai thác), tỷ lệ các cấp tuổi gần bằng 1, có 5-8 măng được sinh ra hàng năm.

  1. Vùng phân bố.

Luồng có thể mọc tự nhiên từng cụm phân tán ven sông Mã tỉnh Sơn La. Thanh Hoá là cái nôi Luồng (vì thế quen gọi là “Luồng Thanh Hoá”) nhưng đều là rừng trồng.

Hiện nay Luồng được trồng nhiều ở Bắc Trung Bộ, đã dẫn giống trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc và phía Nam. Phong trào trồng Luồng ở vùng Trung tâm Bắc Bộ phát triển rộng khắp, một số loài tre trước đây thường trồng (Diễn trứng…) phải nhường ngôi. Giống Luồng đưa vào trồng ở các tỉnh miền Nam chưa được kiểm kê tổng kết; một số khóm đã trồng ở Đông Nam Bộ. Luồng đưa vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã sinh trưởng bình thường.

  1. Giá trị sử dụng

Luồng có tỷ lệ Xenlulo 54% (cao nhất trong các loài tre đã được phân tích), Lignin 22,4%, Pentozan 18,8%. Sợi Luồng thường có chiều dài 2,944mm, chiều rộng 17,84m, vách tế bào dầy 8,5m. Với thành phần hoá học và kích thước sợi của Luồng, nếu dùng loài này làm nguyên liệu sản xuất giấy sẽ cho hiệu quả cao và chất lượng giấy tốt.

Luồng có khối lượng thể tích ở độ ẩm 15% là 625 kg/m3  tương đương một số loại gỗ nhóm 7,nhưng do có cấu tạo và sắp xếp đặc biệt của tế bào sợi dài và những bó mạch (216 bó mạch/cm2) nên Luồng có giới hạn bền khi nén dọc thớ (ở độ ẩm 15% là 497kg/cm2 ) và giới hạn bền  khi kéo dọc thớ (ở độ ẩm 15% là 3384kg/cm2), hơn hẳn nhiều loại gỗ.

Chính vì vậy dùng Luồng làm cột chống, xà đỡ trong xây dựng, giao thông vận tải, chèn hầm lò là rất tốt. Luồng dùng làm nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh thì vừa đẹp lại chắc bền, được nhiều người ưa chuộng và là mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị.

Măng Luồng ăn ngon, kích thước lớn nên ngoài ăn tươi còn thường được phơi khô. Trong thập kỷ 70 Thanh Hoá đã có xí nghiệp đóng hộp măng Luồng để xuất khẩu.

  1. Kỹ thuật kinh doanh

5.1. Trồng Luồng: Để trồng Luồng thành công đạt hiệu quả cao cần theo các bước:

5.1.1. Chọn vùng, địa hình và đất trồng có điều kiện khí hậu, lập địa phù hợp đặc tính sinh học của Luồng.

ảnh hưởng của vùng trồng tới sinh trưởng của Luồng là rất lớn có thể dẫn ra kết quả điều tra của Nguyễn Ngọc Bình như sau:

Bảng 4: So sánh phẩm chất Luồng ở Lang Chánh và Phú Điền

 

Địa phương

Chiều cao (m) Chiều dài của dóng ngang ngực (cm) Đường kính gốc (cm) Bề dầy của thân ở gốc (cm)
Lang Chánh (ThanhHoá) 21-23 25-28 8,5-10,0 2,3-2,5
Phú Điền (Thừa Thiên Huế) 18-20 24-26 8,0-9,0 2,0-2,2

So sánh  về số liệu khí hậu thì ở Lang Chánh lượng mưa toàn năm cao hơn Phú Điền 154,7mm, ẩm độ trung bình trong năm  cao hơn 2%, lượng bốc hơi lại ít hơn 126,8 mm; trong một năm nhiều ngày dâm trời hơn Phú Điền (lượng mây tổng quan trung bình toàn năm ở Lang Chánh là 8,1 còn ở Phú Điền là 7,2).

Về địa hình có thể sắp xếp theo thứ tự ưu tiên:

– Đất bằng hoặc chân đồi

– Đồi núi thấp.

– Sườn thoải hoặc yên ngựa

ảnh hưởng của đất đai tới sinh trưởng của Luồng, cũng theo điều tra của Nguyễn Ngọc Bình có thể dẫn ra như sau:

Bảng 5: So sánh phẩm chất Luồng trồng trên hai loại đất khác nhau

 ở Lang Chánh

 

Loại đất

Đường kính gốc (cm) Chiều cao cây (m) Chiều dài dóng ngang ngực (cm) Bề dầy thân ở gốc (cm)
Đất Feralit phát triển trên đá Poocphia  

11,5-12,5

 

22-23

 

26-29

 

2,5-3,5

Đất Feralit phát triển trên đá Phyllit  

8,5-10,0

 

21-23

 

25-28

 

2,3-2,5

ở Lang Chánh, Luồng sinh trưởng từ tốt đến xấu trên các loại đất theo thứ tự sau:

– Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá Poocphia

– Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét biến hình tiếp xúc với Poocphia.

– Đất phát triển trên đá vôi.

– Đất Feralit vàng đỏ phát triển trên phiến thạch Phyllit.

– Đất Feralit nâu vàng phát triển trên phù sa cổ thượng lưu sông Âm.

Luồng trồng ở 3 loại đất đầu có sản lượng cao, phẩm chất tốt. Đặc biệt cần nhấn mạnh là trong điều kiện khi hậu ở Lang Chánh trên loại đất tốt kết hợp với các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác hợp lý thì Luồng phát triển rất tốt – Đường kính trên13cm, dài trên 25m cho sản phẩm Luồng phao là loại Luồng có kích thước lớn nhất. Trồng ở những nơi lớp đất mỏng, nhiều đá lẫn độ phì nhiêu thấp, Luồng vẫn sống nhưng phát triển kém – khóm nhỏ, cây thấp bé.

5.1.2. Phương thức trồng: Qui mô trồng, sử lý thực bì, làm đất, trồng xen phù hợp với sinh thái rừng Luồng.

Luồng có thể trồng phân tán từng khóm gần nhà, xung quanh vườn, bao đồi. . . thích hợp cho việc tận dụng nơi đất tốt thụân tiện cho chăm sóc, trồng xen có thu nhập thêm cho kinh tế gia đình.

Luồng có thể trồng tập trung theo phương thức trồng thuần loại hoặc trồng hỗn giao với cây gỗ (cách cây, cách hàng, theo băng, theo đám).

Luồng trồng tập trung thành rừng có ưu điểm:

– Đảm bảo điều kiện ánh sáng, ẩm độ không khí và đất cho Luồng phát triển.

– Tránh gió bão làm gẫy măng, trốc gốc.

– Quản lý, chăm sóc thuận tiện.

Lưu Phạm Hoành đã thí nghiệm và đo đếm ở rừng Luồng 4 tuổi trồng trên đất sau nương rẫy, đất rừng gỗ thứ sinh tiến hành cải tạo trắng và trồng theo rạch có kết quả như sau ( Bảng 6):

Bảng 6: So sánh phẩm chất Luồng trên hai phương thức trồng

 

 

Phương thức

Kích thước cây Kích thước dóng Trọng lượng tươi (tấn/ha)
Đường kính (cm) Chiều cao (m) Chiều dai (cm) Bề dầy (cm)
 

Sau nương rẫy

 

6,0

 

8,0

 

23,17

 

0,79

 

6,4

Rừng gỗ thứ sinh

+ Cải tạo trắng

+ Trồng theo rạch

 

7,8

7,1

 

12,1

11,0

 

27,13

29,49

 

0,68

0,58

 

17,7

10,4

Kết quả thí nghiệm trên phản ánh đầy đủ sự thoái hoá của đất rừng sau nương rẫy. Vì vậy, không nên làm nương rẫy 1-2 năm đầu rồi mới trồng Luồng như trước đây một số nới đã làm; còn phương thức cải tạo trắng hay trồng theo rạch là tuỳ điều kiện cụ thể.

5.1.3. Kỹ thuật trồng:

Giống và kỹ thuật tạo giống, mật độ trồng, hố trồng, thời vụ trồng và chăm sóc những năm đầu là những yêu cầu cơ bản đảm bảo trồng có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt.

Lưu Phạm Hoành tiến hành thí nghiệm dùng gốc, chét, cành, thân để trồng và thu được kết quả như sau (Bảng 7):

Bảng 7: Kết quả trồng Luồng bằng các loại giống khác nhau

 

Loại giống trồng

Năm thứ nhất Năm thứ hai
N D H N D H
Gốc

Chét

Cành

Hom thân có chồi ngủ

2,4

2,2

2,1

2,3

2,4

2,3

2,1

2,6

3,3

3,4

3,1

4,2

2,0

2,3

1,8

2,4

4,6

3,7

3,4

4,7

5,7

5,7

4,3

5,8

 

Loại giống trồng

Năm thứ ba Năm thứ tư
N D H N D H Trọng lượng tươi (Tấn/ha)
Gốc

Chét

Cành

Hom thân có chồi ngủ

2,1

1,3

1,7

2,7

5,3

6,0

4,8

6,2

6,8

6,6

6,9

7,5

2,2

2,0

2,3

2,6

6,7

6,3

5,2

7,1

10,0

10,4

10,4

11,0

7,5

5,6

6,2

10,4

Ghi chú:    N: Số cây măng trung bình/1khóm

                     D: Đường kính trung bình của cây (cm)

                     H: Chiều cao trung bình của cây (m)

Căn cứ vào số liệu trên và nhận xét trong thực tế thì trong một hai năm đầu, các giống chét, thân, cành cho măng bé hơn giống gốc nhưng sự hơn kém giữa các loại giống trồng cũng không rõ nét. Càng về sau sức sinh sản và kích thước măng không còn phân biệt giữa các khóm trồng bằng gốc với các khóm trồng bằng thân, cành hoặc chét.

ở đây cần lưu ý thêm về giống và kỹ thuật tạo giống. Hiện nay giống trồng bằng hom cành bó bầu trên thân (chiết) được ứng dụng rộng rãi.

Ưu điểm của phương pháp bó bầu (chiết) là:

– Sử dụng tối đa lượng cành có trên cây Luồng.

– Tuổi cành làm giống có biên độ rộng từ 3-10 tháng tuổi.

– Có thể tiến hành quanh năm (nhưng tốt nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 dương lịch).

– Cây mẹ sau khi lấy giống vẫn sử dụng bình thường.

– Cây mẹ vẫn ra măng bình thường.

5.2. Khai thác Luồng

Sau khi trồng 5-6 năm rừng Luồng có thể đưa vào khai thác; sau 9-10 năm thì khai thác ổn định.

Phương thức khai thác Luồng là: “Chặt chọn từng cây theo cấp tuổi trong khóm”. Trường hợp đặc biệt với những khóm ra hoa thì chặt trắng từng khóm. Giải quyết cường độ chặt, chu kỳ chặt, sử lý rừng sau khai thác hợp lý sẽ có hiệu quả kinh tế  kỹ thuật cao. Qui phạm qui định: “Luân kỳ 1 năm thì cường độ chặt không quá 30% số cây trong khóm; Luân kỳ 2 năm thì cường độ chặt dưới 40% số cây trong khóm”. Theo chúng tôi cũng có thể áp dụng công thức :

Chu kỳ 3 năm: chặt cây từ tuổi 4 cho những vùng sung yếu, chặt cây từ tuổi 3 cho những vùng sản xuất khác.

Chu kỳ 2 năm: chặt cây từ tuổi 4 cho những vùng sản xuất khác

5.3. Phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc rừng Luồng

Rừng Luồng thường có bệnh chổi sể và sâu vòi voi hại măng. Gần đây ở Thanh Hoá có hiện tượng cây Luồng phát triển không bình thường được gọi là “Bệnh sọc tím”.

Thực hiện quản lý chặt chẽ, nuôi dưỡng tốt (làm vệ sinh rừng, điều tiết mật độ, sới đất bón phân) mới đảm bảo cho Luồng tồn tại, sinh trưởng, phát triển tốt.

  1. Hiện trạng sản xuất

Nhân dân Thanh Hoá đã trồng và đã có nhiều kinh nghiệm lâu đời về trồng Luồng. Kiểm kê rừng năm 1999 Thanh Hoá có 46.973 ha Luồng với trữ lượng 58.706.000 cây. Hiện nay các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Phú Thọ … cũng đã trồng hàng chục nghìn ha Luồng.

Trồng Luồng trước đây tuy có những bước thăng trầm nhưng Luồng là loài cây đã được nghiên cứu khá toàn diện và nhiều kết quả nghiên cứu được sản xuất tiếp nhận ứng dụng. Ngày 25 tháng 1 năm 2000 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định ban hành tiêu chuẩn ngành số 04 TCN 21-2000 “Qui phạm kỹ thuật trồng và khai thác Luồng”. Hiện nay Luồng là một trong những loài cây trồng chính của chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Hội thảo “xác định loài cây trồng rừng và chọn loài ưu tiên” tại các vùng lâm nghiệp đã xác định Luồng là loài cây trồng rừng vùng Trung tâm Bắc bộ,Bắc Trung bộ và Tây Bắc.

Nghiên cứu trồng Luồng để lấy măng đã được tiến hành ở Trung tâm nghiên cứu Lâm sinh Cầu Hai – Phú Thọ nhưng qui mô nghiên cứu còn nhiều hạn chế.

Từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 9 năm 2001 lớp tập huấn kỹ thuật gây trồng và khai thác rừng Luồng cho 7 tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Bắc Cạn, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang) đã được tổ chức tại Tuyên Quang.

  1. Khuyến nghị:

Để đảm bảo trồng Luồng đạt kết quả tốt, ngoài việc thực hiện đúng các qui trình kỹ thuật đã ban hành, khi chọn đất chỉ nên chọn các loại đất từ hạng I đến hạng III trong bảng sau:

Bảng 8: phân hạng đất trồng Luồng theo thực bì và đá mẹ

           Thực bì

 

Nhóm đá mẹ

Rừng gỗ thứ sinh nghèo kiệt Rừng tre nứa tự nhiên Trảng cỏ cao, cây bụi chịu hạn Trảng cỏ thấp chịu hạn
Bazan, Phoophia, các loại đá Macma kiềm  

I

 

I

 

II

 

III

Phylit, Micaschiste, Gneiss, Phiến thạch sét, phiến thạch limon  

 

I

 

 

II

 

 

III

 

 

IV

Granit, Ryolit II III IV V
Sa thạch, Quarzit III IV V VI

Nghiên cứu nuôi cấy mô tạo giống Luồng theo phương pháp hiện đại vẫn là mong muốn của các nhà khoa học.

Nghiên cứu phòng trừ “bệnh  sọc tím” đang là yêu cầu cấp bách của sản xuất.

Ngoài ra phương thức trồng hỗn giao cũng đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi cần được nghiên cứu và theo dõi lâu dài.

Nghiên cứu kinh doanh măng Luồng cũng đã mở ra triển vọng rất tốt, cần được đầu tư thoả đáng để tiếp tục mở rộng nghiên cứu và theo dõi lâu dài.