Home / Tài nguyên thực vật rừng / Dendrocalamopsis sp – Tre gầy

Dendrocalamopsis sp – Tre gầy

Tên khoa học: Dendrocalamopsis sp

Tên Việt nam: Tre gầy

Tên địa phương: Măng cầy

  1. Đặc điểm nhận biết

Tre Gầy được trồng là loài tre to, lá to, không gai, thân ngầm dạng củ, thân khí sinh quần tụ thành cụm thưa cây, mỗi khóm thường dưới 50 cây. Thân tre thẳng, thon dần, thân non có nhiều lông hung vàng, ở trên và dưới vòng mo có vòng lông trắng mịn. Đốt thân hơi phình, những đốt gần gốc có nhiều rễ. Lóng thân có vệt dọc, nhìn có cảm giác khô, rắn chắc. Mắt cành to. Bẹ mo hình chuông, đỉnh hơi lõm; Mặt lưng có vết vằn hổ, có lông mầu hung. Lá mo hình mũi giáo, hai mép quăn vào trong, đầu vút nhọn. Tai mo nhỏ, có lông. Thìa lìa là đường gờ, xẻ, nhiều lông sớm rụng. Cụm cành gần gốc có nhiều cành nhỏ, lên trên có 1-4 cành lớn, đùi gà có khả năng ra rễ. Lá mềm, thuôn, đầu vút nhọn, gốc tù hơi tròn. Cụm hoa đầu cành, mỗi đốt cành có 2-3 cành hoa; cành hoa dài, mỗi đốt cành hoa có 1-3 bông chét. Bông chét mầu xanh vàng, hình nhộng dẹp, mỗi bông chét có nhiều hoa.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên

Cây mọc ở nơi khí hậu nhiệt đới mưa mùa, địa hình đồi núi thấp. Độ cao so với mặt biển 100-500m.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Gầy thường được trồng phân tán từng khóm hoặc từng cụm vài ba khóm ở chân đồi, xung quanh vườn. Hàng năm mùa măng từ tháng 6 đến tháng 9. Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng và phát triển của măng. Mới thu được hoa, không rõ quả và hạt như thế nào.

  1. Phân bố

Thường được trồng ở vùng Trung tâm Bắc bộ và Trung bộ – Gặp nhiều ở Phú Thọ, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Lê Quang Liên có thí nghiệm thăm dò về tạo giống bằng cành và trồng để lấy măng. Kết quả thí nghiệm chưa nhiều nhưng cũng xác định được là có thể tạo giống tre Gầy để trồng bằng cách bó bầu cành trên thân sau khi ra rễ thì đem ươm.  Trong dân thường trồng bằng giống gốc.

  1. Giá trị sử dụng

Thân tre dầy, cứng nhưng ít dùng làm nhà vì không thật thẳng và nây. Có thể dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy, ván ép … Trong dân thường trồng để lấy măng vì măng to, nhiều, ăn ngon.

  1. Hiện trạng sản xuất

Người dân thích trồng Gầy để lấy măng, nhưng hiện nay Gầy được trồng chưa nhiều với những diện tích lớn. Kỹ thuật trồng, khai thác còn rất tuỳ tiện.

  1. Khuyến nghị

Cần được nghiên cứu và khuyến khích phát triển vì măng của Gầy có giá trị cao.