Tên khoa học: Cunninghamia lanceolata (Lamb) Hook. (C. sinensis R.Br ex Ric)
Tên Việt Nam: Sa mu
Tên khác: sa mộc, sam mộc.
Họ: Bụt mọc – Taxodiaceae.
Sa mu là loài cây gỗ nguyên sản ở Trung Quốc, nhưng được nhập vào Việt Nam từ lâu, được gây trồng phát triển mạnh từ năm 1960 trở lại đây. Hiện nay một số nhà thực vật Việt Nam phát hiện thấy có cây sa mu dầu (C. konishii Hayata) (Đinh Văn Đề, Vũ Ngọc Sinh, 2000) phân bố tự nhiên vùng Tương Dương, Quế Phong (Nghệ An), thường gặp chúng trong rừng tự nhiên hỗn loài ở những nơi có độ cao từ 700 m so với mặt biển trở lên. Điều này cho thấy tính chất gần gũi về khí hậu và lập địa thuận lợi cho việc gây trồng sa mu ở các tỉnh biên giới Việt – Trung.
- Mô tả hình thái
Sa mu là loài gỗ lớn, cao tới 25 -30m, đường kính đạt tới 60 -70 cm. Thân tròn thẳng, tán lá hẹp, hình tháp. Vỏ xám, bong vảy. Cành mảnh. Lá dẹt hình ngọn giáo, dày, cứng, mép có răng cưa mọc tập trung đầu cành.
- Đặc điểm sinh thái
Sa mu phân bố ở Tây Nam của Trung Quốc từ vĩ tuyến 22 đến 32 vĩ độ bắc. Các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai, Lai Châu có trồng sa mu.
Sa mu sống ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc, nơi có độ cao từ 1000 m trở lên, thích hợp ở những nơi có nhiệt độ trung bình từ 15 -20o C. Lượng mưa 1400-1900 mm.
Sa mu thích nghi với ánh sáng tán xạ. Sa mu ưa đất sâu ẩm, thoát nước, tơi xốp, độ pH lớn hơn 5, nhiều mùn. Sa mu thích hợp các loại đất phát triển trên phiến thạch, sa thạch có tầng dày. Sa mu ra hoa vào tháng 3 – 4, quả chín tháng 10 – 11.
- Công dụng
Gỗ sa mu không phân biệt giác lõi. Gỗ có màu nâu vàng. Gỗ nhẹ, thớ thẳng, bền đẹp, ít bị mối mọt phá hại. Gỗ dùng đóng tàu thuyền, cột buồm, đồ gia dụng. Trồng rừng cung cấp gỗ xây dựng, gỗ trụ mỏ. Trồng làm cây phong cảnh. Trồng rừng phòng hộ rất phù hợp ở vùng núi cao, phía Bắc Việt Nam.