Home / Tài nguyên thực vật rừng / Chimonobambusa yunnanensis Hsueh et W. P. Zhang – Trúc vuông

Chimonobambusa yunnanensis Hsueh et W. P. Zhang – Trúc vuông

Tên khoa học: Chimonobambusa yunnanensis Hsueh et W. P. Zhang

Tên Việt nam: Trúc vuông

Tên địa phương: Sặt gai, Hào dui

  1. Đặcđiểm nhận biết

Thân thẳng, chiều cao tới (6-)10-14m, đường kính 2,5cm hay hơn; lóng hình 4 cạnh, dài khoảng 20cm, bề mặt lúc đầu có lông gai, về sau lông rụng đi để lại dấu vết và gốc u rất ráp, bề dày vách thân 3-4mm; vòng thân phẳng hay chỗ đốt chia cành hơi nổi lên; trên vòng mo để lại dấu vết của gốc bẹ mo và có 1 vòng lông nhung màu nâu tím; lóng đốt có rễ khí dạng gai phát triển và cong xuống; mỗi đốt thân có 3 cành, vòng cành nổi mạnh. Bẹ mo rụng sớm, chất giấy dày, ngắn hơn lóng, mặt lưng phủ lông gai nhỏ màu nâu vàng nhạt, lườn dọc rõ, nhưng gân ngang nhỏ không rõ lắm, mép bẹ có lông mảnh màu nâu vàng; lưỡi mo không rõ, cao 0,5mm, hình cung, mép có lông mảnh nhỏ,; phiến mo hình chóp dạng tam giác, dài khoảng 3mm,, chỗ nối liền gốc phiến mo và bẹ mo không có khớp đốt. Cành nhỏ thường mang 3 lá, bẹ lá nhẵn bóng, hai vai miệng bẹ có mấy chiếc lông tua màu trắng, dài 4 – 5mm; lưỡi lá chỉ cao 1mm; phiến lá chất giấy, hình lưỡi mác dài, dài 20 – 23cm, rộng 1,5 – 2cm, đầu nhọn dài, gốc hình nêm, gân cấp hai 4 hay 5 đôi, gân ngang nhỏ rõ.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học:

2.1 Điều kiện tự nhiên

Vùng Trúc vuông phân bố có khí hậu á nhiệt đới núi cao, chia làm 2 mùa: Mùa mưa nóng, mùa khô lạnh thường hay có sương muối và đôi khi có tuyết. Địa hình là đồi núi cao.

2.2 Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Trúc vuông mọc tự nhiên, rải rác từng đám nhỏ. Cho đến nay sinh sản chủ yếu vẫn là măng phát triển từ thân ngầm. Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng, phát triển và cũng chưa được gây trồng (cả việc trồng làm cảnh).

  1. Phân bố

Trúc vuông chỉ gặp ở đỉnh hoặc sườn đồi có độ cao khoảng 1000m trở lên ở huyện Ngân Sơn (Cao Bằng), Huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), huyện Bạch Thông (Bắc Kạn).

  1. Giá trị sử dụng

Trong đời sống hàng ngày Trúc vuông được dân địa phương dùng làm sàn nhà vì rất cứng, chắc. Vì có thân vuông độc đáo nên có thể trồng làm cảnh và làm hàng mỹ nghệ.

Trúc vuông là loài hiếm, số lượng cây ít, vùng phân bố hẹp, có ý nghĩa khoa học cần được bảo tồn nguồn gen; Loài này được ghi trong sách đỏ Việt nam.

  1. Kỹ thuật kinh doanh

Chưa có công trình nghiên cứu nào cho Trúc vuông

  1. Hiện trạng sản xuất

Dân địa phương khai thác tuỳ tiện. Chưa được gây trồng ngay cả việc trồng làm cảnh. Vì vậy, Trúc vuông ngày càng khan hiếm, có nguy cơ bị diệt chủng.

  1. Khuyến nghị

Trúc vuông cần được quan tâm để bảo tồn nguồn gen hiếm này. Có thể phát triển để lấy thân tre làm nguyên liệu hoặc trồng làm cảnh.