Home / Tài nguyên thực vật rừng / Bambusa oldhami Munro – Lục trúc

Bambusa oldhami Munro – Lục trúc

Tên khoa học: Bambusa oldhami Munro

Tên Việt Nam : Lục trúc

Tên địa phương: Tre ngọt

  1. Đặc điểm nhận biết:

Lục trúc là loài tre nhỏ, không gai, lá vừa, mọc cụm thưa cây, thân khí sinh có ngọn cong. Kích thước cây trung bình: Thân tre cao 8,8m ngọn cong dài 0,8m, đường kính 5,5cm. Lóng dài 31cm, vách thân dầy 1,0cm, thân tre tươi nặng 6,6kg. Thân cây không thật thẳng, tròn đều, nhẵn. Cây non mầu xanh có phấn trắng – đặc biệt ở phía dưới đốt. Cây già mầu xanh thẫm.

Đốt thân không nổi rõ, không có rễ, sẹo mo rõ. Mỗi đốt có 1 cành to, 2 cành nhỏ và nhiều cành phụ. Đùi gà cành to có khả năng phát triển mầm măng và rễ. Bẹ mo hình chuông đáy hơi xoè rộng; khi măng còn thấp bẹ mo mầu xanh vàng, khi măng lên cao, bẹ mo mầu xanh nhạt, mặt ngoài không lông mặt trong nhẵn bóng, sớm rụng. Lá mo hình mũi mác – tam giác đầu vút nhọn, không có lông, mọc đứng, sớm rụng. Tai mo nhỏ lượn sóng. Thìa lìa cao 0,2cm. Phiến lá hình mũi giáo thuôn dài, đầu vút nhọn, đuôi tròn. Bẹ lá có túm lông sớm rụng. Cụm hoa đầu cành, cành có nhiều đốt, mỗi đốt mang 1- 6 bông chét; bông chét hơi dẹt, đầu nhọn, mỗi bông chét có 2- 5 hoa.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học.

2.1.Điều kiện tự nhiên

Lục trúc được trồng và sinh trưởng bình thường ở nhiều nơi có điều kiện khí hậu và đất đai khác nhau từ vùng đất xấu như ở Tân Yên (Bắc Giang), đất rừng còn tương đối tốt như Hạ Hoà (Phú Thọ), đến đất phù sa ven sông ở Đan Phượng (Hà Tây), từ vùng có khí hậu ấm áp như ở Bắc Giang, Hà Tây đến vùng cao có khí hậu lạnh như Sa Pa (Lào Cai).

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Bình thường thì phần củ của thân ngầm cây non có 6-8 mầm mắt có khả năng cho 6-8 măng, nếu cây non bị chặt từ lúc còn là măng thì 6-8 mầm măng đó có khả năng phát triển thành 6-8 mầm măng phụ cũng lên ngay trong bụi đó. Sau khi trồng 2 năm, một khóm trong một đợt măng lên đã có tới 10 măng (xem ảnh). ỏ  Tân Yên sau khi trồng 6 tháng có một số khóm ra hoa rồi chết; các khóm còn lại vẫn sinh trưởng bình thường.

  1. Phân bố:

Loài này được nhập từ Đài Loan vào Việt Nam; từ 1997 đã lấy giống từ Bắc Giang đem đi trồng ở nhiều tỉnh khác.

  1. Giá trị sử dụng:

Theo tài liệu của Trung Quốc thì Lục trúc cho măng rất ngon, thân dùng làm nông cụ. Thực tế ăn măng Lục trúc tươi thấy ròn, hương vị thơm ngọt nhưng vì măng bé nên giá trị chưa cao.

  1. Kỹ thuật kinh doanh:

Đã có tài liệu hướng dẫn tóm tắt của chuyên gia Đài Loan khi đưa giống vào trồng.

  1. Hiện trạng sản xuất:

Công ty chế biến nông lâm sản xuất khẩu đã nhập giống Lục Trúc là giống gốc, trồng 20ha ở Bắc Giang và sau đó có phát triển trồng ở Hạ Hoà (Phú Thọ). Phương pháp tạo giống cành bằng kỹ thuật bó bầu trên thân. Hiện nay giống lục Trúc có thể là giống gốc hoặc giống cành. Có lúc giống gốc còn non nên chết nhiều, ngựơc lại giống gốc lấy ở cây già thì kém phát triển. Bộ NN&PTNT cũng đã cho kế hoạch xây dựng quy trình  kỹ thuật trồng Lục Trúc do TTNCTN&PTR thuộc Trường Đại Học Lâm Nghiệp  chủ trì nhưng chưa được ban hành. Có địa phương đã trồng Lục Trúc nhưng với quy mô nhỏ và chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật nên lục trúc phát triển không được tốt. Trong chương trình phát triển kinh tế vùng sâu có nơi cơ quan khuyến nông phát giống Lục trúc cho dân trồng nhưng do trồng quảng canh nên không đạt kết quả như mong muốn.

  1. Khuyến nghị:  

Có thể trồng Lục trúc lấy măng trên nhiều vùng có khí hậu và đất đai khác nhau nhưng phải thực hiện thâm canh. Nếu dùng giống gốc phải đảm bảo tuổi cây mẹ (1 năm tuổi), nếu dùng giống cành phải là cành đã qua ươm mới đảm bảo tỷ lệ sống và rừng phát triển tốt. Măng Lục trúc nhỏ nên chỉ có thể trồng tập trung mới tiện quản lý và cho lượng măng nhiều đáp ứng yêu cầu kinh doanh.

Cần phải có thực nghiệm, tổng kết thực tế ở các địa phương đã trồng và khẩn trương có hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo trồng Lục trúc thành công tránh lãng phí