Home / Tài nguyên thực vật rừng / Bambusa mutabilis McClure – Hóp củ chi

Bambusa mutabilis McClure – Hóp củ chi

Tên khoa học: Bambusa mutabilis  McClure

Tên Việt Nam: Hóp củ chi

Tên địa phương: Hóp, Trúc

  1. Đặc điểm nhận biết

Thân cao 5-7m, đường kính 2,5-3,5cm, ngọn gần đứng thẳng; chiều dài lóng 40-50cm, lúc non phủ phấn sáp trắng, không lông hay có lông gai nhỏ mọc  rất thưa, vách thân tương đối mỏng, lóng phần dưới thân có nhiều sọc màu tím, phía dưới đốt thường có 1 vòng phấn sáp trắng; đốt hơi nổi, phía trên vòng mo của đốt thứ nhất đến đốt thứ 3 kể từ gốc thân có một vòng lông tơ màu trắng xám, vòng lông này chỉ thấy phía dưới vòng mo của đốt thứ nhất; chia cành thường bắt đầu từ đốt thứ 5 đến đốt thứ 7 kể từ gốc ; cành nhiều, mọc cụm, chỉ một cành ở giữa hơi to dài. Bẹ mo rụng sớm, chất da, bền chắc, lúc non mặt lưng phủ phấn sáp trắng, nhẵn trơn không lông, có nhiều sọc màu tím, đầu hình cung rộng hơi không đối xứng; tai mo không bằng nhau, hơi nhăn, hình tròn dài, nhìn từ mặt lưng thường bị che lấp một phần bởi gốc phiến mo, đầu tận cùng gần hình tròn, mép có lông tua nhỏ cong dễ rụng, tai mo dài 1-1,4cm, rộng 3 – 4mm, kích thước tai nhỏ bằng khoảng một nửa tai to; lưỡi mo cao khoảng 2mm, mép xẻ răng, phủ lông dạng tua ngắn hay không lông; phiến mo đứng thẳng, dễ rụng, hình trứng đến hình trứng hẹp hơi không đối xứng, mặt lưng có nhiều sọc màu tím, đầu nhọn có mũi nhọn nhỏ sắc cứng, gốc thu hẹp gần hình tim, bề rộng bằng khoảng 2/3 bề rộng đầu bẹ mo. Bẹ lá phủ lông cứng ngắn, lườn dọc nổi lên; tai lá hình liềm, mép có một ít lông tua nhỏ dạng toả xoè; lưỡi lá cao khoảng 1mm, đầu gần hình cắt ngang hay hơi hình cung tròn, gần mép nguyên; phiến lá hình lưỡi mác dạng dải đến hình lưỡi mác hẹp, dài 8,5- 15(-20)cm, rộng 11-16 (-20)mm, mặt trên không lông, mặt dưới mọc dày lông mềm dài, đầu nhọn có mũi nhọn nhỏ dạng mũi khoan, gốc gần hình tròn hay hình nêm.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên

Cây ưa khí hậu nhiệt đới 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Thường phát triển tốt trên đất cát pha, độ thoát nước tốt, địa hình tương đối bằng phẳng.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Hóp được trồng thuần loại hoặc trồng xen với một số loại cây ăn quả khác như mít, nhãn hay trồng thành hàng rào. Mỗi năm có 2 đợt măng; Đợt măng chính vào tháng 3, mùa măng phụ vào tháng 10. Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng, phát triển của măng.

  1. Vùng phân bố

Hóp được trồng từ lâu ở Củ Chi và một số huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh. Cũng gặp Hóp ở một số tỉnh Nam bộ và Nam trung bộ.

  1. Giá trị sử dụng

Thân Hóp dài, mỏng, và khá mềm nên được dùng chủ yếu trong đan lát: thúng, mủng, sọt đựng rau quả hay rổ rá, phên liếp.

  1. Kỹ thuật kinh doanh:Chưa có công trình nghiên cứu nào cho Hóp. Kinh nghiệm trong nhân dân trồng bằng gốc có một đoạn thân khí sinh bánh tẻ. Khai thác tuỳ theo nhu cầu của thị trường.
  2. Hiện trạng sản xuất

Cây Hóp được trồng theo tập quán của người dân địa phương và nhu cầu sử dụng của thị truờng.

  1. Khuyến nghị

Khuyến khích trồng Hóp củ chi trong vườn nhà hoặc ven hàng rào, lối đi.