Home / Tài nguyên thực vật rừng / Bambusa longissimas sp. nov. – Dùng

Bambusa longissimas sp. nov. – Dùng

Tên khoa học:  Bambusa longissimas sp. nov.

Tên Việt nam: Dùng

Tên địa phương: Mạy quăn

  1. Đặc điểm nhận biết:

Cây mọc thành cụm hơi thưa như nứa lá to. Thân thẳng cao 10-20m, đường kính 6- 10cm, khi non xanh lục, khi già xanh thẫm có địa y trắng. Lóng trung bình dài 40 -60 cm, cá biệt 1,4- 1,6m. Đốt không phình to, không có vòng rễ, vòng mo mang nhiều lông tím dài. Cành mọc muộn, ở đốt thứ 10-11, góc chia cành 600, kích thước gần bằng nhau. Mo thân, chân mo có lông ngắn, hình chuông, lúc non xanh- vàng nhạt, cao 20 cm, đáy lớn rộng 31cm, đáy bé 8cm, mặt ngoài phủ nhiều lông. Tai mo nhăn, nhỏ, 2 bên bẹ mo có lông; lá mo hình trứng tam giác, dài 6cm, rộng 5cm, rụng muộn. Lá hình mác thuôn, dài 20cm, rộng 2,5cm, mặt trên xanh thẫm, dưới xanh nhạt; bẹ lá có lông màu vàng nhạt, số gân lá 18.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên:

Cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa. Mùa mưa từ tháng 4-5 đến tháng 10-11, nắng nóng. Mùa khô từ tháng 10-11 đến tháng 4-5 năm sau, lạnh, hanh. Địa hình đồi núi thấp, có độ dốc vừa phải, cao dưới 800m so với mặt biển. Đất mát, sâu, ẩm thoát nước. Dùng mọc ở chân đồi, ven khe thường tốt hơn.

2.2. Đặc điểm  quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển:

Dùng mọc trong rừng thứ sinh, thường là cùng với một số loài tre nứa khác (Nứa, Bương, Tre đắng…) và tầng trên là một số loài thuộc họ Giẻ, Re; cũng có những vạt rừng Dùng gần như thuần loại. Mùa măng thường từ tháng 6 đến tháng 9. Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng, phát triển của măng.

  1. Vùng phân bố:Dùng phân bố ở các huyện phía tây Nghệ An, Thanh Hoá và Sơn La.
  2. Giá trị sử dụng:Dùng có lóng dài nên được dùng để đan phên cót, tăm mành, thường được sơ chế tại rừng: Chặt bỏ đốt, chẻ thanh, buộc thành bó đường kính 40-50cm, giao nhận theo cân. Có thể dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván ép, làm sợi, làm giấy. Măng dùng ăn tươi nhưng không được ngon.
  3. Kỹ thuật kinh doanh:Chưa có công trình nghiên cứu nào cho Dùng
  4. Hiện trạng sản xuất: Từ trước đến nay chỉ khai thác trong rừng tự nhiên, thiếu sự chăm sóc tu bổ nên những đám rừng ở gần, thuận tiện giao thông bị thu hẹp và khai thác kiệt, rừng ở xa cũng tàn kiệt dần.

Khai thác hàng năm nhiều ít, giá cả lên xuống tuỳ thuộc tư thương cạnh tranh.

  1. Khuyến nghị:Rừng Dùng cần được nghiên cứu thêm, phải qui hoạch và  tăng cường quản lý, khai thác đảm bảo tái sinh để rừng Dùng phát triển và tồn tại lâu dài.