Home / Tài nguyên thực vật rừng / Bambusa blumeana J. A. et J. H. Schult – Tre gai.

Bambusa blumeana J. A. et J. H. Schult – Tre gai.

Tên khoa học: Bambusa blumeana J. A. et J. H. Schult

Tên Việt Nam: Tre gai.

Tên địa phương: Tre hoá, Tre nhà, Mạy phấy

  1. Đặc điểm nhận biết

Cây cao 15-24m, đường kính 8-15cm, ngọn cong xuống, có đoạn thân gần gốc hơi gập cong hình chữ chi (hình zích zắc); lóng màu lục, dài 25-35cm, lúc non phần nửa trên phủ thưa lông gai màu nâu mọc dán, lúc già nhẵn không lông, bề dày vách thân 2-3cm; các đốt ở giữa và phía dưới của thân đều có vòng rễ khí ngắn hay chấm rễ, phía trên và dưới của vòng mo đều có một vòng lông tơ màu trắng xám hay vàng nâu; chia cành thường bắt đầu từ đốt thứ nhất kể từ gốc thân, các đốt phần dưới thân thường chỉ có cành đơn, các nhánh nhỏ trên đó thường co ngắn thành gai cứng sắc, cong, đan chéo nhau tạo nên đám gai dày đặc, các đốt phần giữa và phàn trên thân có 3 đến mấy cành mọc tụm, cành chính rõ khá to dài. Bẹ mo rụng muộn, mặt lưng phủ dày lông gai màu nâu tối, lúc khô lườn dọc nổi rõ, đầu hình cung rộng hay lõm xuống, hai vai mỗi bên có một mũi nhọn nhỏ nhô cao; tai mo gần bằng nhau hay hơi không bằng nhau, hình tròn dài dạng dải, thường lật ra ngoài và có hình bán nguyệt, mép có lông tua dài thô dạng cong, màu nâu nhạt; lưỡi mo cao 4-5mm, xẻ sợi, mép phủ lông dạng tua; phiến mo hình trứng đến hình trứng hẹp, thường lật ra ngoài, mặt lưng phủ lông cứng ráp, mặt bụng mọc dày lông gai nhỏ màu nâu tối, đầu nhọn, có mũi nhọn cứng, gốc hơi hình tròn sau khi thu hẹp thì tạo thành tai mo; gốc phiến mo rộng bằng 2/5 đầu bẹ mo, mép gần gốc phủ lông mảnh. Lá 5-9 lá trên cành nhỏ, lưng phủ lông cứng ngắn, tai lá nhỏ hay không có, lông tua miệng bẹ thường không tồn tại hay có lúc chỉ có 2-3 chiếc ngắn, cong; lưỡi lá gần cắt ngang, thấp, mép xẻ răng nhỏ và phủ lông mảnh dài, nhỏ; phiến là hình lưỡi mác dạng dải đến hình lưỡi mác hẹp, dài 10-20 cm, rộng 15-25 mm, hai mặt ráp, chỉ gốc mặt dưới phủ lông mềm dài hơi dầy, đầu nhọn dạng mũi khoan, gốc tù hay gần hình cắt ngang. Bông nhỏ 2 đến nhiều mọc cụm ở các đốt cành hoa; bông nhỏ hình dải, màu tìm nhạt, dài 2,5-4 cm rộng 3-4 mm, chứa 4 -12 hoa nhỏ, trong đó 2-5 hoa lưỡng tính; mày trống 2, dài khoảng 2mm, không lông; mày ngoài hình tròn dài dạng trứng, dài 6-9mm, rộng 2,5-4mm lưng không lông, có 9-11 gân, đầu nhọn mép không lông; mày trong dài khoảng 7mm, rộng khoảng 1,8 mm, có hai gờ, trên gờ phủ dày lông mảnh, giữa hai gờ có 3 gân, ngoài gờ mỗi bên còn có 3 gân; chỉ nhị rời, dài 6-7 mm, bao phấn màu vàng, hình rải rộng dài 3-4 mm; bầu hình trứng, dài 1,2-2mm, vòi ngắn, đầu nhuỵ xẻ 3, dạng lông vũ.

  1. Đặc tính sinh học sinh thái học.

2.1. Điều kiện tự nhiên

Cây ưa khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm nhiệt độ bình quân từ 22°C trở lên lượng mưa trên 1.500mm. Địa hình là vùng núi đến đồng bằng, ven biển, độ cao dưới 800m. Đất thuộc nhiều loại, hình thành từ các loại đá mẹ; độ sâu tầng đất từ 20cm trở nên; mầu từ đỏ đến sám; thành phần cơ giới từ sét đến cát thô; độ phì từ tốt đến xấu; PH hơi kiềm đến hơi chua, có thể ngập nước 1 – 2 tháng. Trên các đồi núi trọc độ sâu tầng đất 30 –40cm, tỷ lệ sỏi sạn không quá 30%, Tre gai vẫn có thể sống nhưng sinh trưởng  kém hơn.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Tre gai thường được trồng thành hàng rào xung quanh vườn, ven làng, chân đồi, chân đê phát huy vai trò phòng hộ: bảo vệ hoa mầu, đồng ruộng, chống xói lở, chắn sóng… Nơi đất xấu, khô cằn Tre gai thường nhỏ, khẳng khiu; nơi đất tốt, đủ ẩm cây to và mỡ màng hơn. Hàng năm từ tháng 5, 6 tháng 10 – 11 măng lên từ thân ngầm. Khi măng nhú khỏi mặt đất măng có xu hướng uốn vào giữa khóm, khi ra lá mới toả ra xung quanh. Đây cũng là đặc điểm khá độc đáo của Tre gai. Bởi vậy, cây trong khóm thường chen chúc. Cùng với cành gai dầy đặc,   hàng Tre gai tạo thành chiến luỹ không cho “kẻ thù” vượt qua. Mới gặp Tre gai ra hoa từng khóm, hoặc từng cây trong khóm rồi chết hoặc cũng có thể không chết. Chưa thu được hạt và chưa nắm được chu kỳ ra  hoa của Tre gai

  1. Phân bố:

Chưa gặp Tre gai ở rừng tự nhiên. Từ lâu Tre gai là loài tre đã được trồng rộng rãi nhất ở Việt Nam – Suốt từ Bắc vào Nam, từ nơi thấp đến nơi cao, từ vùng núi xuống đồng bằng, ven biển; ở Miền Bắc Tre gai được trồng nhiều, ở nông thôn, thường nhà nào cũng có vài khóm hoặc cả hàng bao quanh vườn, ao, thôn xóm.

  1. Giá trị sử dụng:

Ngoài giá trị bảo vệ môi trường Tre gai rất gần gũi với đời sống của người dân, măng ăn ngon, lá  và tinh Tre gai (cạo sau lớp vỏ xanh của thân Tre) dùng làm thuốc; Thân tre để làm nhà (cây tươi dùng làm cọc dùng trong xây dựng, tre  khô sau khi được ngâm trong nướcbùn đem làm nhà thì vừa chắc khoẻ và lại không bị mối mọt), làm đồ dùng trong gia đình…

Thân tre có tỉ lệ xenlulô 48.51%, lignin 30.88%, sợi dài 2.59cm, tỷ lệ chiều dài với  chiều rộng là 17.3, nên được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy.

  1. Kỹ thuật kinh doanh:

Gây trồng: các địa phương đều có kinh nghiệm trồng Tre gai. Giống trồng có thể là giống  gốc, giống thân.

Khai thác: vì thân tre mọc chen chúc lại có gai chằng chịt nên khi khai thác thường phải chặt trắng. Sau mỗi lần khai thác, phải đắp lên gốc tre gai 1 lớp bùn ao để vừa thêm đất cho Tre gai khắc phục hiện tượng nâng gốc.

  1. Hiện trạng sản  xuất:

Tre gai được các hộ gia đình hoặc tập thể trồng nhưng thường không được chăm sóc nhất là những hàng tre ven đê, quanh làng nên thường bị tàn kiệt nhanh chóng (nâng gốc, thoái hoá…).

Tre gai thường bị coi là làm xấu đất nhanh, nhưng cũng chưa có biện pháp gì để khắc phục ngoài ngoài việc đào hào ngăn rễ phát triển rộng và bón bùn hàng năm.

  1. Khuyến nghị:

Mặc dù Tre gai làm xấu đất nhanh nhưng do Tre gai có nhiều công dụng, lại dễ trồng, ít công chăm sóc nên Tre gai vẫn phát triển ở nhiều địa phương. Vì vậy cần phải có những nghiên cứu đầy đủ, để có cơ sở khoa học và tìm giải pháp hợp lý cho việc phát triển loài tre này.

Khuyến khích trồng Tre gai bao đồi, bao làng, trồng rừng phòng hộ; nơi đất xấu quá không nên trồng Tre gai vì hiệu quả thấp, đất lại càng xấu đi.