Home / Tài nguyên thực vật rừng / Bambusa balcooa Roxb. – Lồ ô trung bộ

Bambusa balcooa Roxb. – Lồ ô trung bộ

Tên khoa học: Bambusa balcooa Roxb.

Tên Việt nam: Lồ ô trung bộ

Tên địa phương: Lồ ô

  1. Đặc điểm nhận biết 

Lồ ô trung bộ có trong rừng tự nhiên và cũng được trồng khá nhiều, là loài tre trung bình, không gai, lá nhỡ, thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc quần tụ thành khóm thưa cây.

Thân khí sinh thẳng, thon đều, có ngọn cong ngắn. Dóng thân nhẵn, tròn đều. Đốt thân trung bình, không rễ, có vòng lông mịn, trắng ngà. Bẹ mo hình thang, mặt ngoài có nhiều lông mầu nâu đen. Măng còn thấp bẹ mo có mầu xanh tím, măng lên cao bẹ mo có mầu xanh vàng nhạt. Lá mo hình ngọn giáo, chếch, sau đó nằm  ngang. Tai mo phát triển thành một gờ dài, lượn sóng, hai đầu cong vểnh như đầu lưỡi liềm. Thìa lìa xẻ sâu thành lông, phần còn lại chỉ là gờ đều, thấp. Mắt cành trên thân nổi rõ. Phân cành cao, thường có 1 cành to, 2 cành nhỏ và một số cành phụ nhỏ. Phiến lá mềm , mỏng, thuôn dài, cân đối, đầu vút nhọn, đuôi tù đến tròn, mặt trên hơi ráp, mặt dưới nhẵn. Bẹ lá có túm lông trắng ngà, dài, sớm rụng. Cụm hoa đầu cành. Mỗi đốt thường có 1 đến 4 bông chét mầu vàng rơm, hình nhộng, tròn, đầu nhọn. Mỗi bông chét có 1-3 hoa.

Kích thước ở cây trung bình: Thân tre cao 12m; Đường kính 6cm; Bề dầy vách thân 0,65cm; Dóng thân dài 35cm; Bẹ mo: đáy dưới 35m, đáy trên 18cm, cao 30cm; Phiến lá: dài 30cm, rộng 3cm; Trọng lượng thân tươi 10kg.

  1. Đặc tính sinh học, sinh thái học

2.1. Điều kiện tự nhiên: Khí hậu nhiệt đới mưa mùa. Địa hình đồi núi trung bình. Độ cao khoảng 500m so với mặt nước biển. Đất đỏ bazan sâu, ẩm.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Trong rừng thứ sinh Lồ ô trung bộ ở tầng dưới, tầng trên là cây gỗ. Lồ ô trung bộ thường được trồng xung quanh vườn nhà, chân đồi, bãi ven sông suối. Mùa măng từ tháng 4 đến tháng 10, chưa có nghiên cứu về sinh trưởng và phát triển của măng. Gặp Lồ ô trung bộ ra hoa nhưng chưa theo dõi được có kết hạt, nảy mầm hay không.

  1. Vùng phân bố

Lồ ô trung bộ phân bố tự nhiên từ Quảng Bình vào đến Lâm Đồng. Được gây trồng nhiều ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

  1. Giá trị sử dụng

Lồ ô trung bộ được dùng trong xây dựng, nguyên liệu làm giấy, công nghiệp chế biến tre, đan lát, dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Măng Lồ ô trung bộ ăn ngon.

  1. Kỹ thuật kinh doanh:

Chưa có công trình nghiên cứu nào cho Lồ ô trung bộ. Kinh nghiệm trong dân, trồng Lồ ô trung bộ bằng gốc có mang một đoạn thân khí sinh bánh tẻ; Khai thác chỉ để lại cây non.

  1. Hiện trạng sản xuất

Lồ ô trung bộ trong rừng tự nhiên chưa được quản lý chặt chẽ, thường bị khai thác tuỳ tiện. Trồng Lồ ô trung bộ còn là theo tập quán. Tỉnh Thừa Thiên Huế mới có chương trình điều tra hiện trạng, nhu cầu và khả năng trồng cho từng khu vực.

  1. Khuyến nghị:

Cần tăng cường quản lý, bảo vệ và hướng dẫn kỹ thuật khai thác rừng Lồ ô trung bộ để rừng tái sinh đảm bảo yêu cầu cung cấp. Lồ ô trung bộ xứng đáng là một loài cây trồng rừng chủ yếu ở Miền Trung.