Home / Tài nguyên thực vật rừng / Ailanthus triphysa Alston – Thanh thất

Ailanthus triphysa Alston – Thanh thất

Tên khoa học: Ailanthus triphysa Alston

Tên Việt Nam: Thanh thất

Tên khác: A. malabarica. DC

Họ: Thanh thất (Simaroubaceae)

Đặc điểm hình thái: Thanh thất là loài cây gỗ lớn, cao tới 30m, đường kính đạt tới 1,2m, thân tròn thẳng, phân cành cao. Vỏ cây có màu xám nâu, có mùi hắc. Lá kép lông chim 1 lần lẻ, dài từ 50-100cm, thường tập trung ở đầu cành, cuống lá màu nâu hồng phủ lông mềm, rải rác đốm nâu nhạt. Lá chét 11-35 đôi, mọc gần đối, các lá chét ở giữa tương đối lớn. Phiến lá hình trứng ngọn giáo, đầu nhọn dần, đuôi lệch, dài 7-12cm, rộng từ 2-4,5cm, mép nguyên, nách gân lá phía gốc có 1 túm lông nhỏ. Cuống lá chét dài 0,5-1cm. Lá rụng vào mùa khô và có màu đỏ. Hoa tự hình chùm viên chuỳ ở đầu cành hay nách lá. Hoa tạp tính, đài hợp gốc, phía ngoài phủ long, thường nở vào tháng 3-4, cánh tràng 5 xếp vòng, màu xanh vàng, nhị mười. Quả kín có cánh, dài 5,5cm, rộng 1,7cm, cuống quả dài 2cm, quả chín vào tháng 6-7. Cây ưa sáng thường mọc ở ven rừng hoặc chỗ trống, có khả năng chịu hạn tốt. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở các tỉnh từ Bắc tới Nam.

Về phân bố: Thanh thất thường phân bố ở độ cao 60 – 1.500m so với mực nước biển, nơi có nhiệt độ trung bình năm 27oC, lượng mưa trung bình năm 1.920 mm, thích hợp với đất pha cát, thoát nước tốt. Thanh thất có hoa tạp tính, ở Ấn Độ ra hoa vào tháng 2 và 3, quả chín tháng 5 – 7 (www. Worldagroforestrycentre. Org). Thanh thất có thể tìm thấy ở Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Malaysia, Myanma, Thái Lan, Philipines, Indonesia và Việt Nam. Ở Australia, loài này có ở bang Tây Úc, bang Queensland và cực Nam của khu bảo tồn thiên nhiên đảo Susan (bang New South Wales) (Alston, 1991).

Về giá trị sử dụng

Gỗ Thanh thất mềm, thớ mịn và thẳng, dễ gia công chế biến, dễ bóc vỏ và dễ cháy, có thể sử dụng vào công nghiệp sản xuất diêm. Lá Thanh thất sử dụng làm thuốc trừ sâu, nhựa mủ từ vỏ sử dụng làm thuốc nhuộm, vỏ thân và vỏ rễ sử dụng làm thuốc. Cây có dáng đẹp, có thể sử dụng trồng làm cảnh và lấy bóng mát ven đường. Thanh thất là loài cây đa mục đích phổ biến sử dụng trong các hệ thống sử dụng đất của Kerala, Ấn độ. Gỗ mềm, màu sáng được sử dụng để sản xuất bao bì, thuyền bè, đồ chơi và làm trống. Tuy nhiên, sử dụng quan trọng nhất là trong công nghiệp sản xuất diêm. Nhựa cây được sử dụng rộng rãi làm chất thơm và thuốc bản địa (Kumar và cộng sự, 2001). Theo Pijush Kundu và Subrata Laska (2009), Thanh thất có rất nhiều hoạt tính sinh học. Trong đó, có mối quan tâm rất lớn về dược học. Hoạt tính rõ rệt nhất của loài Thanh thất đó là chống u bướu và ung thư, chống lại sự phân bào qua nghiên cứu định hướng trên cơ thể sống. Tác giả cũng cho rằng Thanh thất còn có khả năng chống các loài vi khuẩn, nấm và độc tố của thực vật; làm thuốc tránh thai; chống tăng huyết áp; thuốc giảm đau; thuốc chống kích thích; giảm sốt; hoạt tính bảo vệ viêm gan… Theo Priya và ctv., A. triphysa có thể được dùng như là thuốc chống vi khuẩn hiệu quả đối với khuẩn S. aureus and P. aeruginosa.

* Về tính chất gỗ

Theo D.Venmalar và ctv (2011), khả năng chống chịu đối với nấm gỗ của Thanh thất khác nhau giữa loài, tuổi nhóm gỗ khi thử nghiệm với Ailanthus viz, A. excelsa (Roxb) và A. malabarica DC. Theo đó, A. excelsa chịu được sự phá hủy của mối trong vòng 12 tháng không kể tuổi, trong khi A. malabarica thì gần như 30-50% không hề bị mối đụng chạm sau 36 tháng. Tác cũng đưa ra được những kỹ thuật bảo quản gỗ của 2 loài đối với nấm mục gỗ.

Theo Alston (1991),Thanh thất là loài cây được khuyến cáo cho trồng rừng chu kỳ ngắn bởi không chỉ nó sinh trưởng nhanh, cây đạt đường kính sử dụng sau 6-8 năm trồng, cây lại ít cành, cần rất ít không gian sống, mà giá gỗ đáp ứng được thị trường nên thu hút người nông dân trồng rừng.