Home / Tài nguyên thực vật rừng / Canarium tramdenum Dai& Yakovl – Trám đen

Canarium tramdenum Dai& Yakovl – Trám đen

Tên tiếng Việt: Trám đen, Ô lâm, Cây bùi, Uy tử, Mác bây (Tày)

Tên khoa học: Canarium tramdenum Dai et Yakovl.

Họ thực vật: Burseraceae

Phân bố: Bắc và Trung bộ. Cây mọc tự nhiên trong rừng nửa rụng lá, còn được trồng.

Mùa hoa quả: V-VI; 7-10

Trám đen (Canarium tramdenum Dai& Yakovl) là cây gỗ lớn bản địa, có chiều cao từ 20-30m, đường kính ngang ngực đạt 50-70cm, thân tròn thẳng, tán rộng và lá xanh quanh năm. Trám đen là cây đa mục đích được nhân dân ta ưa chuộng.

Trám đen được trồng và phân bố ở vùng Đông Nam châu Á gồm phía nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây) Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Ở Việt Nam Trám đen phân bố khá rộng rãi từ Cao Bằng, Bắc cạn, Tuyên Quang, Phú thọ, Hòa Bình, Hà Tây,Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắc Lắc, Khánh Hoà.

Từ lâu đời nay người dân Việt Nam đã sử dụng quả trám đen như một nguồn thực phẩm đặc sản. Từ quả trám có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như trám kho thịt ba chỉ, trám kho cá, trám nhồi thịt. Trám đen khi thu hái về, chọn các quả lành lặn om trong nước nóng già (khoảng 60-80Co­­), bổ đôi tách hạt sau đó cho gia vị vào rồi sấy khô để bảo quản hoặc dùng ngay. Cũng có thể ngâm trám với nước muối để bảo quản dùng dần.

Các bộ phận của cây trám đen như quả, cành, lá, vỏ và rễ đều có giá trị như một nguồn dược liệu. Theo Tuệ Tĩnh quả trám đen đốt thành than, tán bột trộn với ít xạ hương bôi hoặc xỉa vào răng sẽ chữa được bệnh sâu răng. Vỏ hoặc thân cây trám đen cạo bỏ vỏ đen, rửa sạch thái mỏng phơi khô rồi sao vàng hạ thổ sắc lấy nước ngậm cũng có thể chữa khỏi sâu răng. Vỏ cây còn nấu nước tắm chữa dị ứng do sơn ăn. Quả trám chữa viêm họng, miệng khô, khát nước. Hạt trám chữa hóc xương, lưỡi trắng, hoặc có thể kết hợp với một số loại khác dùng chữa bệnh tràng nhạc. lá trám có vị hơi đắng, hơi chát, tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc trị tiêu thũng, chữa đường hô hấp trên, viêm phổi. Rễ trám chữa phong thấp, đau lưng…

Công dụng: Đau răng, mắt có mộng, bỏng, đau răng (Vỏ). Giải độc do ăn phải cá nóc, chữa hóc xương (Quả). Quả khô tán bột, rắc chữa nứt nẻ da, lở miệng và sâu răng. Rễ chữa phong thấp, đau lưng mỏi gối; đau dạ dày, bỏng lửa. Lá chữa cảm mạo, viêm đường hô hấp, viêm phổi, ghẻ lở, xuất huyết tử cung. Quả còn chữa nội thương xuất huyết, ho.