Home / Tài nguyên thực vật rừng / Calamus tetradactylus Hance – Mây nếp

Calamus tetradactylus Hance – Mây nếp

Cây mây nếp (tên khác: Mây tắt, Mây trắng, Mây ruột già, Mây nhà)

Tên khoa học: Calamus tetradactylus Hance

Họ thực vật: họ Cau (Arecaceae).

Cây Mây nếp có Vỏ cây trắng ngà, bóng, đẹp, nhẹ, bền, ruột cây xốp dẻo, trắng bóng tự nhiên, mịn thớ, độ cảm quang mạnh khi nhuộm màu, chịu nhiệt và kháng ẩm cao… Từ bẹ lá, vỏ, ruột cây đều dễ uốn định hình, dễ chế tác cùng các vật liệu khác như: Gỗ, tre, da, nhựa, kim khí. Đối với người Việt nam dù ở bất cứ độ tuổi nào, cây Mây nếp và các sản phẩm từ Mây đều rất gần gũi, dễ cảm nhận và lưu lại ấn tượng cho mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn.

Mây nếp là một trong loài Mây có khu phân bố rộng nhất ở Việt Nam, tập trung nhiều ở Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Nghệ An. Cây mây có lóng dài, màu trắng đẹp, dẻo bền, dễ chẻ nên rất được ưa chuộng làm đồ đan lát, làm hàng mỹ nghệ. Gần đây, mây được sử dụng nhiều để đan mặt ghế và các đồ thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu.

Mây nếp là loài mọc cụm, khóm mây càng già thân ngầm càng lớn càng có nhiều rễ. Ở những nơi đất tốt, sâu ẩm rễ ăn nông trên lớp đất mặt, dễ đánh trồng đi nơi khác. Mây là cây đơn tính khác gốc, thông thường sau khi trồng 5-6 năm mây ra hoa kết quả, cây sai quả nhất vào năm thứ 8-10 sau khi trồng. Kết quả nghiên cứu này là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu tạo giống mây bằng phương pháp tách chồi hay tạo cây con từ hạt. (Xu Huangcan, Z. Huifu and Fu shisheng, 1988) [20].

Tại Ấn Độ, việc nhân giống mây được thực hiện theo 3 cách: Bằng hạt, tách chồi và nuôi cấy mô. Hạt mây rất nhanh mất sức nảy mầm, nếu được chọn lọc và bảo quản ở nhiệt độ 22-280C hạt có khả năng nảy mầm cao sau 6 tháng (Goel,1992); Bằng tách chồi từ cây mẹ cũng có thể tạo được cây mây hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sinh trưởng và phát triển của cây chồi chịu ảnh hưởng rất lớn từ cây mẹ (Biswas and Dayal, 1995); Đã nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô các loài C.travacoricus, C. thuaitesiiC. gamblei (Biswas and Dayal, 1995) [16].

Vũ Văn Dũng, Lê Huy Cường, 1996 cho biết nghề trồng mây ở Đông Nam Á đã được quan tâm từ lâu, ở Malaysia bước đầu đã nghiên cứu tạo giống mây bằng phương pháp nuôi cấy mô, đã tiến hành thí nghiệm trồng song mây dưới tán các loại rừng với các cự ly khác nhau.  Malaysia và Indonesia đã xây dựng rừng mây giống phục vụ cho gieo trồng trên qui mô lớn. Các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các loài mây có giá trị kinh tế, trong đó mây nếp là loài được nghiên cứu gây trồng nhiều hơn cả [5].

Theo PROSEA, 1998 thì ở Trung Quốc mây nếp được trồng phổ biến theo phương thức nông lâm kết hợp, trồng dưới tán cây ăn quả hoặc dưới tán cây quanh khu vườn. Trồng mây nếp trong vườn đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Trên quy mô lớn, mây nếp được trồng xen trong các khu rừng phục hồi và rừng trồng. Nơi trồng mây nếp đảm bảo độ chiếu sáng từ 40-50%, cần bón thêm phân hữu cơ. Mây nếp đã được trồng thử nghiệm theo các cự ly 1x3m, 2x3m và 1x4m. Cây con được trồng 1 hoặc 2 cây/cụm. Tại tỉnh Quảng Đông, mây nếp được trồng thử nghiệm ở các sườn đồi, đợt đầu thu hoạch vào năm thứ 7 với năng suất khoảng 1,2 tấn/ha. Năng suất chung cho một chu kỳ sinh trưởng 25 năm  có thể đạt 6 tấn/ha. Đây là loài cây được khuyến cáo trồng rộng rãi ở miền nam Trung Quốc [9].

Năm 2000, IPGRI đã tổng hợp một số nghiên cứu về song mây ở Trung Quốc cho biết mây nếp là một trong những loài cây có giá trị thương mại cao và được gây trồng nhiều ở đảo Hải Nam – Trung Quốc. Hàng năm, hòn đảo này cung cấp 3000-6500 tấn song mây (trong đó có mây nếp) cho nhu cầu thị trường. Mây nếp có ở Quảng Đông và đảo Hải Nam, phát triển tốt với mật độ 100 khóm/ha, thích hợp ở những nơi có lượng mưa 1000mm, độ chiếu sáng 50%, nơi đất ẩm, pH từ 5,5-6,4 và nhiệt độ trung bình 21-250C.