Home / Tài nguyên thực vật rừng / Mỡ – Manglietia conifera Dandy

Mỡ – Manglietia conifera Dandy

Thông tin chi tiết cây: Mỡ
Tên thông dụng: Mỡ
Tên khoa học: Manglietia conifera Dandy
Tên địa phương:
Tên đồng nghĩa: Manglietia glauca auct., non Blume(Quốc tế),
Giống: Mỡ(Việt Nam),
156
Họ: Ngọc lan(Magnoliaceae)
Mức độ đe dọa: Ít liên quan
ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT:

 Là loài cây gỗ lớn, cao 25-30 m. Thân thẳng, tròn đều, tán hình chóp, dáng hùng vĩ. Vỏ màu xám bạc. Phân cành cao, ít cành nhánh, canh mọc cao và mọc ngang. Cành non màu xanh, khi lá rụng để lại sẹo.

Hình thái:

 Lá đơn mọc cách, phiến lá hình trứng ngược hay trái xoan; đầu nhọn, đôi khi có mũi; gốc lá thuôn nhọn. Gân nổi rõ ở cả hai mặt.

Hoa lưỡng tính, kích thước lớn, màu trắng phớt vàng, mọc đơn độc ở đầu cành. Bao hoa 9, xếp thành 3 vòng. Nhị đực nhiều. Lá noãn nhiều, xếp trên một cuống dài thành một khối hình trứng.

Quả kép hình trụ, đại không có mỏ, nứt bụng. Mỗi đại có 4-6 hạt, màu đỏ, nhẵn bóng. Ra hoa tháng 2-5, quả tháng 7-9.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Nghĩa

 

Phân bổ:

 Cây mọc rải rác trong rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Cây ưa sáng, sinh trưởng tốt trên đất ẩm, thoát nước, tầng đất dày, đất còn tính chất đất rừng. Tái sinh hạt và nảy chồi mạnh.

Là loài cây trồng rừng bản địa quan trọng. Cây được trồng nhiều ở một số tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

BỘ PHẬN DÙNG VÀ GIÁ TRỊ:

 Gỗ có giác lõi phân biệt. Thớ gỗ thẳng và mịn, vòng năm dễ nhận biết, dễ gia công nên được dùng làm gỗ dán lạng, bút chì, đóng đồ gia dụng, bàn ghế học sinh và dùng trong xây dựng. Cây có thân đẹp nên có thể trồng làm cây trang trí.

Bản quyền thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Đề nghị ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin từ website này.